Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2024-2026

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2026.

Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp tự hoàn thiện, cải thiện rõ nét hơn về môi trường kinh doanh của tỉnh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện, hấp dẫn, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Trên cơ sở những kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2023, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục duy trì các chỉ số thành phần được đánh giá cao và khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần bị giảm điểm, thấp điểm.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ: xác định rõ việc tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) hàng năm. Người đứng dầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị liên quan phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp để tăng điểm, tăng vị trí xếp hạng của 10 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

Tập trung quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thu tục giấy tờ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Nghiên cứu thực hiện các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp thực chất và hiệu quả.

Việc xây dựng các chỉ tiêu phải mang tính định lượng, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và rõ đầu mối, rõ việc.

Mục tiêu cụ thể về Chỉ số PCI năm 2024 đạt 65,23 điểm, thứ hạng 50; năm 2025 đạt 66,41 điểm, thứ hạng 35 và năm 2026 đạt 67,77 điểm, thứ hạng 19. Đồng thời đề ra các mục tiêu cụ thể về các Chỉ số thành phần.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tinh trên cơ sở cải thiện các chỉ số PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ động nghiên cứu, hướng dẫn và đề xuất tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao hiệu quả các công tác hỗ trợ doanh nghiệp; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, cụ thể: về mặt bằng, quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng thiết yếu, nguồn lực,... nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Gia nhập thị trường, Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Tiếp cận đất đai; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Tính minh bạch; Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm phục vụ hành chính công) chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Chi phí thời gian; Sở Nội vụ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Chi phí không chính thức, Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền; Sở Công thương chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Đào tạo lao động; Sở Tư pháp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.

PV

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-giai-doan-2024-2026-7f2618a/
Zalo