Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Trong buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đổi mới tư pháp trước hết là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp đề xuất hằng năm phải trên cơ sở thực tiễn phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa.
Thực tiễn cho thấy, những hạn chế, bất cập và "điểm nghẽn" về thể chế, về hoạt động tư pháp đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đòi hỏi phải được giải quyết tận gốc của vấn đề. Đó là, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi chưa cao; hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế-xã hội. Quy trình xây dựng pháp luật còn bất cập, rườm rà, chưa rõ trách nhiệm đầu mối, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, đánh giá tác động chính sách chưa thực chất, chất lượng văn bản thẩm định còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật chưa bám sát thực tiễn, cách tiếp cận chưa khoa học. Những điều này đã được đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật nhận diện và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục.
Người dân, doanh nghiệp, cũng đang gặp nhiều khó khăn khi chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thậm chí xa rời thực tiễn. Thí dụ rõ nhất là một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, nhiều quy định còn cản trở việc thực thi, thủ tục hành chính rườm rà, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư đã trực diện đề cập những vấn đề bất cập hiện nay trong xây dựng pháp luật, đồng thời đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi đổi mới thể chế, nhất là hoàn thiện các quy định của pháp luật, là điều mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức mong mỏi. Nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những thách thức khó lường từ yếu tố khách quan của kinh tế thế giới và những yếu tố nội tại. Do đó, chỉ có đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn từ thể chế - "nút thắt của nút thắt", cải cách môi trường kinh doanh, dòng vốn đầu tư nước ngoài mới tìm đến Việt Nam và cùng với sự lớn mạnh của dòng vốn trong nước tạo nên bước phát triển bền vững cho một quốc gia được dự báo còn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như Việt Nam. Hiện nay, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang xem xét dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính-ngân sách. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng sau khi được thông qua sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện cơ chế "Sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật", đồng thời với việc quyết liệt khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật là điều hết sức cần thiết.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, luật cần mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc nghị định, thông tư. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành; trong đó, có hình thức ủy quyền lập pháp để ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế đặc thù, thí điểm tháo gỡ, giải quyết triệt để, kịp thời những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Trên cơ sở chỉ đạo đó, thiết nghĩ việc đẩy mạnh cải cách quy trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần phải chú trọng đánh giá tác động chính sách thực chất, chú ý xây dựng cơ chế hiệu quả để tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, nhất là đối với người dân, doanh nghiệp; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật; không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ tác động.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, đến mọi lĩnh vực của đời sống và tạo nên những vấn đề mới, xu thế mới, là một quốc gia hội nhập ngày một sâu rộng, Việt Nam cần chủ động trước những biến chuyển mang tính thời đại đó. Hơn bao giờ hết, cải cách quy trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần tập trung kiến tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, thách thức mới, hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước để không bỏ lỡ những thành tựu của Cách mạng 4.0-Trí tuệ nhân tạo (AI)-Bán dẫn-Công nghệ ô-tô-Chuyển đổi số-Chuyển đổi xanh… đem lại.
Tổng Bí thư Tô Lâm đồng ý sẽ xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", trong đó cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật gắn với nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, quan tâm phát triển nguồn lực cho công tác pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Cải cách thể chế một cách toàn diện, thực chất là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đã xác định, trong đó đột phá về thể chế được xem như là "đột phá của đột phá", bảo đảm "tinh-gọn-mạnh- hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả" đang là đòi hỏi cấp thiết, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những nỗ lực toàn Đảng, toàn dân phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu của đất nước 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.