Quyết không để tình trạng doanh nghiệp nợ phí công đoàn kéo dài

Nhiều doanh nghiệp nợ phí công đoàn, lương và chậm đóng phí bảo hiểm xã hội kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và trật tự an ninh địa phương.

Ngày 13-11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình thực hiện Nghị quyết số 07/2024.

Nghị quyết này xoay quanh nội dung tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong bối cảnh mới, nhằm cải thiện các chế độ phúc lợi, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng đời sống của người lao động (NLĐ).

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, xoay quanh việc tăng cường nguồn lực tài chính, triển khai các chính sách phúc lợi thiết thực và mở rộng các chương trình hỗ trợ người lao động.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang thông tin hiện tỉnh này có hơn 220 doanh nghiệp với tổ chức công đoàn, thu hút khoảng 60.000 đoàn viên. Phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó chỉ có hai doanh nghiệp có trên 10.000 lao động.

“Tuy nhiên, tình trạng nợ lương và bảo hiểm xã hội kéo dài trên ba tháng tại doanh nghiệp với quy mô vài chục lao động cũng gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương.

 Ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang. Ảnh: HẢI NHI

Ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang. Ảnh: HẢI NHI

Trước tình hình này, LĐLĐ tỉnh An Giang đã xuất quỹ hỗ trợ NLĐ. Theo đó, mỗi đoàn viên nhận 1 triệu đồng. Ngoài ra, UBMTTQ địa phương cũng hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người để mua nhu yếu phẩm, giúp NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Giang nói.

Một vấn đề khác mà LĐLĐ tỉnh An Giang đang đối mặt là nhiều doanh nghiệp không có bản thỏa ước lao động tập thể, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Ông Giang nhấn mạnh rằng mỗi doanh nghiệp nên có bản thỏa ước lao động tập thể nhằm tạo lợi ích cho NLĐ và đảm bảo điều kiện làm việc hợp lý.

Ngoài ra, nhiều NLĐ đã phải vay vốn từ các tổ chức tài chính để trang trải cuộc sống, điều này khiến các doanh nghiệp cũng e ngại khi ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận cho vay. Để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp thường chỉ chấp nhận hỗ trợ cho những NLĐ có khả năng hoàn trả khoản vay.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp đã không thực hiện nghĩa vụ đóng phí công đoàn, với tổng số tiền nợ công đoàn trên 30 tỉ đồng. Sau nhiều năm, doanh nghiệp này mới trả.

 Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HẢI NHI

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HẢI NHI

Chia sẻ thêm về giải pháp, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết LĐLĐ TP.HCM đã xây dựng đề án chống thất thu trong thu phí công đoàn. Đề án này nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, từ đó giúp tổ chức công đoàn có thêm nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động chăm lo cho người lao động.

Ông Tâm nhấn mạnh rằng cần khai thác hiệu quả các tiềm năng và tài sản hiện có của công đoàn. Bởi đây là nguồn lực quan trọng giúp tổ chức phát triển bền vững.

Cũng tại hội thảo, liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Dương Khánh Huy, Phó Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đề xuất cần nghiên cứu và ban hành các chế tài kiểm soát lại công tác tài chính tại các cơ sở. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không có chứng từ tài chính đầy đủ hoặc chưa thực hiện đúng quy định về chi tiêu tài chính công đoàn đã gây khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động".

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/quyet-khong-de-tinh-trang-doanh-nghiep-no-phi-cong-doan-keo-dai-post819589.html
Zalo