Đại biểu Quốc hội lo ngại thiếu nguyên liệu, phát sinh vốn khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội tham gia đều nhất trí về việc cần thiết thực hiện dự án, tuy nhiên các đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn về các vấn đề phát sinh…
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ VÀ HIỆU QUẢ
Tại các phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Việc thực hiện dự án cũng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cả nước, đồng thời là động lực tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh nằm trong hành lang tuyến đường sắt tốc độ cao phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh cho đất nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến, quan điểm về nguồn vốn, công nghệ, tiến độ hoàn thiện và tác động của thực hiện dự án với đảm bảo kinh tế vĩ mô, ngân sách Nhà nước, nợ công và bội chi ngân sách...
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn tỉnh Đắk Nông nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, thực tế vấn đề này cũng thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công. Trước thực tế đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu.
“Vốn bố trí từ ngân sách nhà nước, vốn vay (cả nước ngoài lẫn trong nước), vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và các nguồn khác là bao nhiêu? Để từ đó đánh giá khả năng trả nợ, sức chịu đựng của nền kinh tế?...”, đại biểu nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam được triển khai trong bối cảnh nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công sẽ gây ra tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu
Quan tâm tới vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện, đại biểu cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, dự trù được những vấn đề phát sinh để đảm bảo việc triển khai Dự án theo đúng tiến độ, chất lượng cũng như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP.HCM nhận định, đây là dự án lưỡng dụng, cần sớm được triển khai để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa thuận lợi trong thời gian tới. Cần tính toán tính khả thi khi sử dụng vốn đầu tư công từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cần tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, tài chính và phân kỳ vốn đầu tư phù hợp cho từng giai đoạn.
Đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ của dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường và đại biểu Nguyễn Phi Thường đoàn thành phố Hà Nội góp ý đề nghị Quốc hội cần quyết định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư, từ đó sẽ làm chủ trong việc đầu tư hệ thống đường sắt khác mà không cần mua sản phẩm sẵn có.
Đa số các đại biểu nhận định, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
TƯ LỆNH NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI NÓI GÌ?
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có phát biểu để làm rõ. Về vấn đề dự án lưỡng dụng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là dự án đường sắt tốc độ cao chạy trên ray với tốc độ thiết kế lên đến 350km/h, công năng tuyến đường sẽ chỉ vận tải hành khách, chưa vận tải hàng hóa và sẽ sử dụng lưỡng dụng khi cần thiết như phục vụ an ninh, quốc phòng.
Trong thiết kế và quy hoạch, tuyến đường sắt này có thể đảm đương thêm vận tải hàng hóa chỉ khi cần thiết. Với hiện trạng thực tế của nước ta, dự kiến từ nay đến 2050, nhu cầu vận tải hàng hóa dọc trục Bắc - Nam chỉ hơn 18,2 triệu tấn/năm, thì tính riêng hệ thống đường sắt cũ khi nâng cấp là đã đủ để đảm đương.
"Chúng ta rất thuận lợi khi được "trời cho" mạng lưới đường thủy nội địa và cảng biển kết nối cực kỳ thông suốt từ Bắc - Nam. Trong khi nhiều quốc gia phải đào biển, sông để tạo đường thủy vận tải", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Dẫn chứng thêm về kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Thắng phân tích thêm, qua khảo sát của cơ quan soạn thảo, các nước đều e ngại và khuyến cáo không chạy chung vận tải hàng và hành khách vì rủi ro mất an toàn rất cao, kéo hiệu suất vận tải hành khách giảm rất lớn.
Đề cập tới những lo ngại của một số đại biểu về kinh nghiệm trong quá trình triển khai, người đứng đầu ngành giao thông chia sẻ: "Khi nghiên cứu tuyến đường sắt này, chúng tôi tập trung tìm hiểu rất kỹ, cá nhân tôi đào sâu nguyên nhân khiến một số tuyến đường sắt đô thị bị chậm tiến độ".
Trong đó, có 3 nguyên nhân chính cần quan tâm khi triển khai các dự án đường sắt. Đầu tiên là công tác chuẩn bị đầu tư, đây là yếu tố rất quan trọng mang tính quyết định việc có đội vốn hay không, do đó cần phải làm thật kỹ.
Về việc lựa chọn đối tác, từ trước đến nay, khi triển khai các tuyến đường sắt, vốn rất lớn khoảng vài tỷ USD trở lên nên chủ yếu vay vốn ODA. Do đó chúng ta bị ràng buộc, không được quyền lựa chọn đối tác.
"Đây là bất lợi rất lớn và cũng là nguyên nhân dẫn đến đội giá. Với dự án này, việc lựa chọn đối tác phải theo hướng chọn nhà thầu xây dựng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và buộc phải chuyển giao công nghệ", ông Thắng khẳng định việc lựa chọn nhà thầu không phụ thuộc tới vay vốn nước ngoài.
Nói thêm về vấn đề chuyển giao công nghệ, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trước nay Việt Nam nói rất nhiều về chuyển giao công nghệ, yêu cầu đối tác chuyển giao nhưng không rõ chuyển cho ai, dẫn đến chưa thực hiện thành công.
Ngược lại, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Giao thông vận tải đã triển khai chủ động, lựa chọn 1 số doanh nghiệp lớn để chỉ định hợp tác và nhận chuyển giao. Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp xúc làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để sau này khi triển khai sẽ chỉ định đây là các doanh nghiệp quốc gia, được tham gia chuyển giao công nghệ.