Nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn. Tuy nhiên, quá trình này đã và đang là thách thức không nhỏ đối với các địa phương, đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể, sát thực tế, sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân.
Nông thôn chuyển mình
Mới đây, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định nông thôn mới nâng cao tại 4 xã: Văn Tự, Thắng Lợi, Tự Nhiên, Hòa Bình (huyện Thường Tín). Trong đó, xã Thắng Lợi hiện có gần 20 công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ; 310 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thường xuyên giải quyết việc làm cho 95% số lao động địa phương. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt gần 69 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo.
Còn xã Tự Nhiên đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017. Các năm sau đó, xã tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, Tự Nhiên có 2 tuyến đường liên xã, 9 tuyến đường liên thôn và 131 tuyến đường ngõ, xóm đều được cứng hóa, khang trang, thuận lợi cho nhân dân đi lại; cả 3 trường công lập đều đạt chuẩn quốc gia…
Tại xã Hòa Bình, từ năm 2012 đến năm 2023, địa phương đã huy động được hơn 356 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hiện, các thôn của xã đều có nhà văn hóa; 100% số thôn có điểm vui chơi công cộng, có thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời…
Tại xã Văn Tự, khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương cũng chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Điện, đường, trường, trạm, các công trình văn hóa, tâm linh trên địa bàn thường xuyên được trùng tu, tôn tạo...
Tại hội nghị thẩm định nông thôn mới nâng cao ở 4 xã, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn khẳng định, 4 xã trên của huyện Thường Tín đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; đề nghị các xã và huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố xét, công nhận xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đợt 2 năm 2023.
Có thể thấy, về huyện Thường Tín hôm nay, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, minh chứng cho thành quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện những năm qua. Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đang chuyển mình theo chiều sâu chất lượng, đời sống người dân ngày một nâng cao; kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển toàn diện.
Ông Từ Đức Mạnh - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thường Tín đã và đang đi vào chiều sâu với sự đổi thay toàn diện, thực tiễn. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều vùng chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả... mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nguồn thu nhập và đời sống cho người dân địa phương.
Điển hình là vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã: Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Đặc biệt, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Một trong những điểm nổi bật khác của huyện Thường Tín là hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm... đều đã được thảm nhựa, bê tông hóa, đạt 100%; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp bốn dột nát; 79 trường học của huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, điểm thành công trong xây dựng nông thôn mới của huyện là bảo tồn các giá trị văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là bảo tồn giá trị văn hóa, với các công trình tiêu biểu như: Văn Từ Thượng Phúc - Nơi thờ phụng, vinh danh 68 Nhà khoa bảng của huyện Thường Tín; Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi…
Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí
Không chỉ tại huyện Thường Tín, thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền, ban, ngành và người dân thành phố Hà Nội đã tham gia tích cực.Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và nâng cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, làm sao để xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thực chất và bền vững luôn là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Hà Nội.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy khi Hà Nội triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chính là không chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông thường mà còn đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhằm tạo sinh kế cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất và bền vững.
Trước đó, Thành ủy Hà Nội có Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.
Trên cơ sở này, cả hệ thống chính trị cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ được quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư nên chỉ trong thời gian ngắn, hạ tầng xã hội, hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh của Hà Nội đã phát triển khá đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp, các làng nghề có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, doanh thu lẫn giá trị sản xuất tăng cao…
Những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải sớm giải quyết, nhất là tốc độ đô thị hóa. Vì vậy, việc quy hoạch, đặc biệt đối với các huyện, thị xã sẽ lên quận trong tương lai đòi hỏi cần phải nghiên cứu, tính toán, xem xét kỹ lưỡng, hài hòa để thích ứng phù hợp với đô thị.
Cùng với đó là vấn đề môi trường, việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, nhất là nước thải ở các làng nghề... cũng đặt ra cho chính quyền các cấp ở Hà Nội những “bài toán” không hề đơn giản. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, khai mở tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Thủ đô cần có những cách làm phù hợp.