Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ Tiết kiệm và Vay vốn

Nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, giúp người nghèo, đối tượng chính sách có sinh kế, động lực phát triển kinh tế, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGDNHCSXH) huyện Yên Lạc đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức cơ cấu lại bộ máy, trong đó coi việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), phát huy hiệu quả vốn vay chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Văn Danh Thủy, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Đại Tự 2, xã Đại Tự (Yên Lạc) thường xuyên nắm bắt thông tin các hộ vay vốn, đảm bảo vốn vay được sử dụng hiệu quả.

Ông Văn Danh Thủy, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Đại Tự 2, xã Đại Tự (Yên Lạc) thường xuyên nắm bắt thông tin các hộ vay vốn, đảm bảo vốn vay được sử dụng hiệu quả.

Tín dụng chính sách xã hội có vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với các giải pháp hữu hiệu, PGDNHCSXH huyện Yên Lạc đã tạo được động lực giúp các tổ TK&VV triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ cho vay vốn chính sách của PGDNHCSXH đến 31/12/2024 đạt hơn 607 tỷ đồng với 9.885 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ ủy thác gần 605 tỷ đồng, chiếm 99,45%/tổng dư nợ, nguồn vốn được ủy thác qua 68 hội đoàn thể cấp xã, ủy nhiệm cho có 291 Tổ TK&VV.

Riêng 3 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã giải ngân gần 33 tỷ đồng cho 626 khách hàng, nhiều chương trình đem lại những hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân theo hướng tích cực.

Có được kết quả trên, PGDNHCSXH huyện Yên Lạc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt nội dung ủy thác ủy nhiệm.

Kết quả hằng năm dư nợ đạt mức tăng trưởng đề ra, đạt chất lượng hoạt động tín dụng cấp xã. Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng năm 2024 đạt 98,82 điểm, tăng 0,91 điểm so với 2023.

Đến 31/12/2024, đơn vị có 291 tổ TK&VV, có 278 tổ xếp loại tốt, chiếm 95,53%, tăng 1 tổ so với năm 2023. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã năm 2024 đạt 96,7 điểm, xếp loại tốt (tăng 1,79 điểm so với năm 2023); đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng cấp xã năm 2024 đạt 98,53 điểm, tăng 0,13 điểm so với năm 2023, có 17/17 đơn vị cấp xã xếp loại tốt.

Ông Văn Danh Thủy, Tổ trưởng tổ TK&VV thôn Đại Tự 2, xã Đại Tự cho biết: Để đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho người nghèo, đối tượng chính sách, bản thân tôi thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời truyền tải các chương trình tín dụng chính sách đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Nắm bắt đầy đủ thông tin về các hộ vay vốn, ưu tiên dẫn vốn cho những hộ có triển vọng phát triển và nhu cầu cấp thiết hơn. Nhờ đó, nguồn vốn sau khi được giải ngân nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực về giảm nghèo, lan tỏa phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tổ TK&VV do PGDNHCSXH huyện Yên Lạc quản lý còn có một số hạn chế như: Việc khai thác và sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách của một số Ban Quản lý Tổ TK&VV chưa thành thạo do thành viên tuổi cao, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin chậm; công tác sắp xếp và lưu giữ hồ sơ chưa đạt yêu cầu; việc đôn đốc trả nợ vốn đến hạn có lúc chưa hiệu quả, dẫn đến phải chuyển nợ quá hạn, sau đó mới thu được nợ; việc quản lý và theo dõi hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hộ vay đi khỏi địa phương có lúc không kịp thời, dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ đến hạn.

Để nâng cao hơn chất lượng hoạt động Tổ TK&VV, tạo nền tảng bền vững trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Giám đốc PGDNHCSXH huyện Yên Lạc Vũ Thị Hồng Khuyên cho rằng: Cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hội đoàn thể cấp xã đối với hoạt động của Tổ TK&VV; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tháo gỡ, xử lý kịp thời.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy trình cho vay, tổ chức họp tổ để bình xét, lựa chọn công khai, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đủ điều kiện vay vốn để lập danh sách đảm bảo công bằng, khách quan.

Địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn vào các buổi sinh hoạt của tổ; tuyên truyền cho tổ viên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm khi vay vốn.

Ban Quản lý Tổ TK&VV cùng các thành viên trong tổ phải thực hiện đúng quy ước của tổ, sinh hoạt định kỳ hằng tháng, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ viên trong cách nắm bắt từng đối tượng vay vốn sản xuất, tham gia đầy đủ lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích để sử dụng vốn vay hiệu quả.

Ban Quản lý Tổ TK&VV thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tổ viên trả lãi, gửi tiết kiệm hằng tháng và trả vốn vay đúng hạn, giao dịch đúng ngày làm việc của ngân hàng, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127721//nang-cao-chat-luong-hoat-dong-to-tiet-kiem-va-vay-von
Zalo