Nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Thủ đô
Nghiên cứu sinh Lưu Văn Thông, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô cần tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Luật Thủ đô 2024
![Sinh viên chương trình chất lượng cao trong giờ thí nghiệm Vật lý đại cương của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.M](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_204_51461905/727d88d7b89951c70888.jpg)
Sinh viên chương trình chất lượng cao trong giờ thí nghiệm Vật lý đại cương của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.M
Xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục
Chia sẻ về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, nghiên cứu sinh Lưu Văn Thông, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn.
Luật Thủ đô 2024 xác định, xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Theo đó, thời gian tới cần nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Theo ông Lưu Văn Thông, năm học 2023 - 2024, TP Hà Nội có 2.874 trường mầm non, phổ thông; hơn 2,2 triệu học sinh; gần 123.000 giáo viên. Đến tháng 10/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn TP là 72,7%. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế, chính sách được thực hiện chủ động.
Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học; là một trong bốn địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Chất lượng giáo dục của Thủ đô tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Chất lượng giáo dục phổ thông được duy trì, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Thành tích học sinh Thủ đô đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế tiếp tục nâng cao về số lượng và chất lượng giải.
Hà Nội duy trì tốt chính sách thu hút và tuyển chọn nhân tài thông qua việc tổ chức lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, học viện trên địa bàn TP. TP triển khai kế hoạch giảng dạy đại trà tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho cấp học mầm non, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội” tại các trường phổ thông... triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học" đồng thời thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường.
Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ để phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương, trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 3, 7, 10.
Các nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới
Ông Lưu Văn Thông thông tin, Luật Thủ đô 2024 có nhiều quy định "mở đường” về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Góp ý vào nhiệm vụ ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, ông Lưu Văn Thông cho hay, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô cần tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ như: quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.
Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh, chính sách về giáo dục và đào tạo của Thủ đô cần được tiếp tục đổi mới theo hướng toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, xây dựng cơ chế thu hút các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các cấp học. Xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.
Cần chủ động, tích cực tham mưu TP rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.
Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, tạo chất lượng giáo dục đồng đều trên địa bàn toàn TP, các trường công lập cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn. Các nhà trường cần tự chủ để tuyển dụng được giáo viên giỏi, khích lệ giáo viên cống hiến; tự chủ để sử dụng kinh phí của Nhà nước hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt quá trình phát triển của nhà trường và sự tiến bộ của học sinh.
Tận dụng tối đa mọi nguồn lực để xây dựng TP trở thành một trung tâm tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung tiến trình đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng tiến bộ, hiện đại, xây dựng hệ thống các trường học thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường Đại học uy tín quốc tế.
Cần hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô và hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khu vực nông thôn. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trường nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp quốc tế; giáo dục, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng huyện. Tập trung vào phát triển các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, khoa học, máy tính, trí tuệ nhân tạo luôn bám sát thị trường lao động thế giới.
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cần xây dựng các chiến lược, đề án, chính sách, thu hút trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đưa Hà Nội xứng đáng với vị trí trung tâm “hội tụ” anh tài của Thủ đô văn hiến. Cùng với đó là xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người có năng lực, trình độ thăng tiến và cống hiến. Sắp xếp phủ hợp với chuyên môn, tránh để tình trạng lãng phí nhân tài.
Để đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nội chủ trương phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội (toàn TP có 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập (7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông) và 6 trường ngoài công lập.