Quảng Ninh: Ưu tiên giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh

Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) có đặc thù là huyện miền núi biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục huyện cũng ưu tiên việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh.

Quảng Ninh: Ưu tiên giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh

Ngành giáo dục Bình Liêu ưu tiên giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh. Ảnh: HP

Ngành giáo dục Bình Liêu ưu tiên giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh. Ảnh: HP

Tăng cường giáo dục về bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với các hoạt động giáo dục trong các nhà trường

Đặc biệt những năm gần đây, ngành giáo dục huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đã luôn quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều nội dung nhằm tăng cường giáo dục văn hóa dân tộc gắn với các hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Đây cũng là động thái nhằm nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào và ý thức bảo tồn văn hóa trong mỗi học sinh.

Đơn cử, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Liêu có 9 lớp, 312 học sinh gồm các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh và Hoa. Vì vậy, đã từ lâu việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong môi trường học đường luôn được Ban giám hiệu quan tâm.

Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục đặc thù; kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để chỉ đạo thực hiện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến cha mẹ học sinh giúp các em giữ gìn tiếng mẹ đẻ thông qua các hoạt động: Nói tiếng mẹ đẻ tại gia đình, giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt tại trường.

Bên cạnh đó, việc mặc trang phục dân tộc vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần và các ngày lễ trong năm học như khai giảng, tổng kết, các ngày lễ lớn của dân tộc cũng được nhà trường duy trì và được học sinh hưởng ứng thực hiện.

Một hội thi năm 2024 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Liêu. Ảnh: CTV

Một hội thi năm 2024 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Liêu. Ảnh: CTV

Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép giáo dục văn hóa dân tộc thông qua các môn học Lịch sử & Địa lý, Mỹ thuật & Âm nhạc, Ngữ văn, Giáo dục địa phương; tổ chức hội thi "Em yêu tiếng Tày", tổ chức trò chơi dân gian (đi guốc mộc, ném còn...) thông qua các buổi ngoại khóa tại đình Lục Nà nhằm giáo dục thẩm mỹ và tôn vinh những giá trị văn hóa, đặc biệt là tiếng nói của dân tộc Tày cho học sinh và các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, toàn huyện hiện có 23 trường học từ cấp mầm non đến Trung học cơ sở với tổng số 8.036 em học sinh.

Do đó, thời gian qua, một số trường đã thành lập và duy trì hiệu quả các Câu lạc bộ truyền thống, thường xuyên tổ chức các lớp học ngoại khóa dạy đàn tính - hát then, hát soóng cọ, pả dung do các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy cho học sinh; đưa một số môn thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, kéo co... vào dạy học trong các giờ tự chọn môn thể dục.

Đến nay, toàn huyện có 11 Câu lạc bộ với 295 học sinh và giáo viên tham gia, gồm 3 câu lạc bộ Soóng cọ, 1 câu lạc bộ Pả Dung, 7 câu lạc bộ đàn tính - hát then.

Một hoạt động trải nghiệm về văn hóa cho giáo viên và học sinh. Ảnh: CTV

Một hoạt động trải nghiệm về văn hóa cho giáo viên và học sinh. Ảnh: CTV

Ngoài ra, các trường còn tổ chức sưu tầm tài liệu; tổ chức các cuộc thi, chương trình ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu; tổ chức các buổi ngoại khóa về hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiêùtrường trên địa bàn huyện Bình Liêu cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm; xây dựng nội dung giáo dục địa phương và lồng ghép giảng dạy các môn học có ý nghĩa và lợi thế về giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, như: Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân... nhằm khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện.

Cùng với đó, khơi dậy ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp của học sinh, hình thành cho các em năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu.

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-uu-tien-giao-duc-y-thuc-bao-ton-van-hoa-dan-toc-cho-hoc-sinh-179250213102301629.htm
Zalo