Đảm bảo chất lượng giáo dục: Lấy 'áp lực' để tạo 'động lực'

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường học Nghệ An đã chủ động thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Trường học vùng cao Nghệ An sớm bắt nhịp dạy học sau Tết, đảm bảo kế hoạch năm học.

Trường học vùng cao Nghệ An sớm bắt nhịp dạy học sau Tết, đảm bảo kế hoạch năm học.

Trong đó, nhận diện khó khăn, bất cập và mạnh dạn triển khai các biện pháp có tính “áp lực” để tạo động lực nâng cao kết quả dạy học, hướng tới chất lượng thật và có tính bền vững, lâu dài.

Giải pháp dạy học thật - chất lượng thật

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) năm học này có hơn 450 học sinh, trong đó có 264 em bán trú. Học sinh của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú của 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập. Đây là địa bàn từng nhiều năm diễn ra tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết, theo người thân đi lao động sớm ở các khu công nghiệp. Vì vậy, công tác vận động, tuyên truyền, quán triệt học sinh về bản làng ăn Tết an toàn, tuân thủ lịch học được nhà trường chủ động triển khai.

Thầy Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Hữu Kiệm cho biết, theo kế hoạch, từ mùng 6 Tết các trường trở lại dạy học. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết, ban giám hiệu và giáo viên đã có mặt ở trường để trả phép, chuẩn bị các điều kiện đón học sinh.

“Sau 2 ngày trở lại lịch dạy học, sĩ số học sinh cơ bản ổn định. Ngay khi đến trường, các em được tổ chức ăn ở, sinh hoạt bán trú bình thường. Cùng với việc sớm ổn định dạy học cho các khối lớp, công tác ôn tập cho học sinh khối 9 nhanh chóng được triển khai”, thầy Đăng thông tin thêm.

Năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Hữu Kiệm có tỷ lệ học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 cao của huyện Kỳ Sơn, với khoảng 70 - 78%. Vì vậy, công tác dạy học, ôn tập một mặt đáp ứng nhu cầu học sinh, mặt khác thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục theo chỉ đạo của sở GD&ĐT.

“Với trường vùng cao, học sinh dân tộc thiểu số, từ trước đến nay việc dạy thêm, học thêm được giáo viên tình nguyện, miễn phí. Mục tiêu đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng cho học sinh, thực hiện phổ cập THCS và làm tốt công tác phân luồng. Qua đó hỗ trợ tối đa để các em đủ điều kiện học tập lên cấp THPT hoặc học nghề nếu có nhu cầu”, thầy Nguyễn Văn Đăng nói.

Trường THCS Nghi Đức nằm ở ngoại ô TP Vinh nhưng chất lượng dạy học những năm qua không thua kém các trường trung tâm. Năm học trước, 100% học sinh dự thi lớp 10 đỗ vào trường THPT công lập với điểm trung bình 3 môn 7,21. Kết quả này xếp thứ 7 thành phố và thứ 26 trong số hơn 400 trường THCS toàn tỉnh.

Năm nay, nhà trường đặt mục tiêu đạt điểm trung bình 7,3 điểm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên bộ môn. Không chỉ với các môn thi vào lớp 10, những môn học còn lại giáo viên cũng ký cam kết đảm bảo chất lượng.

Thầy Đinh Thanh Tú - giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nghi Đức năm nay phụ trách từ khối 7 đến khối 9. Thầy Tú đã ký cam kết với nhà trường và phụ huynh mỗi lớp có từ 20 - 30% học sinh đạt học lực giỏi, tổng kết từ 8 điểm trở lên. Để đạt mục tiêu này, trên lớp, thầy dạy học đảm bảo chương trình, bám sát sách giáo khoa và xây dựng tài liệu ôn tập phù hợp từng nhóm học sinh. Em nào năng lực trung bình, yếu kém phải phụ đạo, hỗ trợ.

“Năm nay, Khoa học tự nhiên không phải là môn thi tuyển sinh vào lớp 10, nhưng là nền tảng để học sinh đăng ký môn lựa chọn ở cấp THPT. Vì vậy, giáo viên không chủ quan, lơ là mà phải tự bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn. Biết cách động viên, truyền cảm hứng cho học trò để học tập hiệu quả”, thầy Đinh Thanh Tú nói.

Chia sẻ về việc tổ chức ký cam kết, thầy Trần Việt Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Đức thông tin, các nội dung cam kết chất lượng dạy học được công khai để phụ huynh cùng phối hợp thực hiện. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, tất cả giáo viên phải thống nhất nội dung dạy và ôn tập, hỗ trợ trong sinh hoạt chuyên môn vì mục tiêu chung của bộ môn cũng như nhà trường.

Các kỳ kiểm tra đánh giá giữa, cuối kỳ nhà trường ra đề chung, ban giám hiệu trực tiếp cập nhật điểm để đảm bảo khách quan, trung thực. Còn kiểm tra đánh giá thường xuyên, giáo viên phải cập nhật điểm lên hệ thống chậm nhất sau 1 tuần để không có tình trạng sửa điểm. Cách làm này, giáo viên phải chịu áp lực nhất định, nhưng cũng là động lực để cố gắng và phát huy được sức mạnh tập thể, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 Thầy trò Trường THCS Nghi Đức, TP Vinh (Nghệ An).

Thầy trò Trường THCS Nghi Đức, TP Vinh (Nghệ An).

Nhận diện bất cập để khắc phục

Cách đây 4 năm, Nghệ An là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, bắt đầu từ cấp THPT, sau đó mở rộng đến các cấp học còn lại. Trong thời gian này, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Nghệ An tăng lên qua mỗi năm. Riêng năm 2024, địa phương này có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT tăng 10 bậc so với năm trước. Tuy nhiên, phân tích cụ thể, kết quả thi có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

Tương tự, điểm tuyển sinh vào lớp 10 chưa đồng đều và có khoảng cách lớn giữa đồng bằng và miền núi cao. TP Vinh có điểm cao nhất là 21,74 điểm và chênh hơn 10 điểm so với địa phương có điểm thấp nhất (9,73 điểm/3 môn). Trong đó, 11 huyện miền núi có kết quả thấp hơn bình quân chung cả tỉnh. Để nâng chất lượng toàn tỉnh, cần tập trung thúc đẩy dạy học ở khu vực miền núi, học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là từ cấp THCS.

Ông Nguyễn Giang Nam - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay: Ngành Giáo dục địa phương xác định khảo sát chất lượng dạy học ở các nhà trường là thước đo quan trọng và yêu cầu thi thật - điểm thật. Cụ thể, hằng năm, phòng tổ chức ra đề chung khảo sát ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh và môn còn lại sẽ bốc thăm bất kỳ.

Quá trình ra đề được thực hiện khách quan, coi thi chéo và chấm công bằng. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số, ra đề thi và chấm trên máy tính một số môn để đảm bảo khách quan. Phòng cũng kiểm tra, thanh tra xác suất, không để tình trạng thiếu trung thực trong đánh giá chất lượng. Kết quả thi được tính vào điểm kiểm tra định kỳ, qua đó tạo động lực, mục tiêu cho các nhà trường phấn đấu.

Năm học 2024 - 2025, Nghệ An lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường THCS trên toàn tỉnh. Ngành Giáo dục tỉnh đã phân tích số liệu, qua nhiều kênh khác nhau để đánh giá toàn diện chất lượng giáo dục từng địa phương, nhà trường như điểm thi vào lớp 10, kết quả học bạ, điều kiện đảm bảo để dạy và học. Từ đó có giải pháp trong từng năm học, giai đoạn để tạo chuyển biến chất lượng mang tính xuyên suốt, bền vững.

Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục ở các nhà trường, như: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc điểm học sinh và đặc thù kinh tế, xã hội địa phương. Sở yêu cầu các địa phương, nhà trường chủ động xây dựng và thực hiện nghiêm túc chương trình kế hoạch năm học.

Về phía Sở sẽ triển khai song song kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, đồng hành với các nhà trường để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập một cách hiệu quả, thực chất. Đây cũng là điều kiện cốt lõi để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và có tính bền vững, lâu dài.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dam-bao-chat-luong-giao-duc-lay-ap-luc-de-tao-dong-luc-post719189.html
Zalo