Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị (LLCT) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Trung tâm Chính trị huyện Thọ Xuân thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng 'lý luận gắn với thực tiễn', giúp người học hiểu được giá trị thực tiễn của LLCT để vận dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng khóa X năm 2024 tại Trung tâm Chính trị huyện Thọ Xuân.
Trung tâm Chính trị huyện Thọ Xuân có 3 giảng viên chuyên trách và 7 giảng viên kiêm nhiệm. Đội ngũ giảng viên giữ vai trò quan trọng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo, do đó trung tâm luôn tạo điều kiện để giảng viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các buổi thông tin thời sự do Trung ương và Tỉnh ủy tổ chức, giúp cán bộ, giảng viên cập nhật kịp thời nội dung mới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó, mỗi giảng viên thường xuyên tìm tòi, sáng tạo, bổ sung kiến thức về các lĩnh vực chuyên môn để làm phong phú hơn nội dung bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, mỗi giảng viên đều gắn lý luận với thực tiễn để học viên thấy được giá trị thực tiễn của LLCT chứ không chỉ là những kiến thức xa rời thực tế.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Thọ Xuân Lê Văn Tiến, cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT, việc đổi mới phương pháp giảng dạy được trung tâm đẩy mạnh theo phương châm lấy người học làm trung tâm, giảm tải phần lý thuyết, tăng kiến thức thực tiễn, tăng kỹ năng thực hành và giải quyết tình huống từ thực tiễn đặt ra.
Cùng với đó, giảng viên đã áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng giáo án điện tử, sử dụng hình ảnh, video, clip minh họa... để tăng sức hấp dẫn đối với người học. Việc số hóa tài liệu học tập cũng là một trong những cách thức hữu hiệu để đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài cấp giáo trình bằng văn bản giấy, trung tâm đã cung cấp đến học viên giáo trình đã được số hóa, giúp dễ dàng lưu giữ và chia sẻ, tạo điều kiện cho người học chủ động trong tìm kiếm tri thức. Lãnh đạo trung tâm cũng thường xuyên dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm và tổ chức lấy phiếu đánh giá, nhận xét của học viên cho từng giảng viên và bài giảng; tổ chức cho học viên góp ý về công tác quản lý, tổ chức lớp học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Không chỉ học từ sách vở, trung tâm đã tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế tại các địa danh phù hợp với từng đối tượng học.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT được thực hiện đúng đối tượng, đủ loại hình. Năm 2024, Trung tâm Chính trị huyện đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 1 lớp đào tạo trung cấp LLCT cho 73 học viên; đào tạo chương trình sơ cấp LLCT cho 93 học viên. Đối với chương trình bồi dưỡng, đã mở 11 lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, 4 lớp đảng viên mới cho 1.254 học viên; 15 lớp chuyên đề cho 1.350 học viên; 11 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng cho 1.294 học viên; 14 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đoàn thể cho 1.529 hội viên; 2 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp xã cho 150 học viên; 1 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp huyện cho 80 học viên; tổ chức 3 hội nghị cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt cấp huyện.
Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng được Trung tâm Chính trị huyện tổ chức linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương và đối tượng học viên. Hằng năm, trung tâm phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy phân loại các đối tượng học viên, từ đó xây dựng kế hoạch và chương trình học tập phù hợp. Ví dụ như các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho học sinh THPT không chỉ tổ chức tập trung tại Trung tâm Chính trị huyện mà còn mở tại các trường THPT. Thời gian học tập cũng được sắp xếp vào ngày cuối tuần để không ảnh hưởng nhiều tới việc học tập của học sinh THPT và giờ làm việc của công nhân, người lao động. Nhờ đó, trong 4 năm liên tục (2021-2024), số lớp và số học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên ngày càng được đổi mới. Trung tâm Chính trị huyện đã xây dựng ngân hàng đề thi và đa dạng hóa các hình thức thi, như thi tự luận, thi trắc nghiệm kết hợp tự luận. Việc đổi mới cách ra đề thi tự luận theo hướng mở rộng và liên hệ thực tiễn cũng đã phát huy tính sáng tạo, giúp học viên nêu cao tinh thần chủ động trong tự học, tự nghiên cứu, từng bước chuyển từ học thụ động sang học chủ động, vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác một cách hiệu quả. Đặc biệt, trong 3 năm qua trung tâm đã thành lập tổ khảo sát tiến hành khảo sát tại các tổ chức cơ sở đảng, đồng thời gửi phiếu xin ý kiến đánh giá đến các địa phương, đơn vị. Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề như: Đánh giá sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng; việc vận dụng kiến thức lý luận, bồi dưỡng nghiệp vụ vào thực tiễn công tác tại cơ sở; tính chủ động, sáng tạo trong công tác sau khi được đào tạo, bồi dưỡng; mức độ hoàn thành nhiệm vụ được phân công...
Qua khảo sát và lấy phiếu đánh giá cho thấy, sau đào tạo học viên có sự tiến bộ rõ rệt về nhận thức, có lập trường tư tưởng vững vàng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, trung tâm sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện và phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể chính trị, tổ chức cơ sở đảng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tế. Thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới vào giáo án, bài giảng cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để việc giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất”, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Thọ Xuân Lê Văn Tiến cho biết.