Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ tăng số câu hỏi phân hóa
Ngày 23/2, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Báo Thanh niên tổ chức Chương trình tư vấn mùa thi năm 2024 tại Trường THPT Phan Châu Trinh.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Chương trình tư vấn mùa thi năm 2025 được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Báo Thanh niên tổ chức trên cả 2 nền tảng trực tiếp và trực tuyến.
Chương trình có sự đồng hành của gần 30 đơn vị giáo dục đến từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và hơn 5.000 học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã thông tin đến học sinh, phụ huynh và giáo viên một số lưu ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Chương trình GDPT 2018 có những thay đổi đáng kể so với trước đây, đặc biệt trong cách tiếp cận kiến thức và đánh giá năng lực. Vì thế, đề thi được ra đảm bảo kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học, cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, đề thi không chỉ kiếm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025, theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh. Độ phân hóa sẽ thể hiện rõ mức 7 điểm trở lên. Tỷ lệ phân bố câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4-3-3. Với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70%, đề thi sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi hiểu và vận dụng sẽ khoảng 30% đủ để phân hóa cho mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Một điểm mới nữa mà thí sinh cần phải lưu ý là môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Tại chương trình, các chuyên gia, khách mời đại diện Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng… giới thiệu, cung cấp, giải đáp những thông tin mới nhất về quy chế tuyển sinh 2025; trực tiếp trả lời các câu hỏi của học sinh và phụ huynh liên quan đến kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học 2025.
Những học sinh tham dự chương trình cũng được PGS.TS Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng đã chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về việc học tập, chọn ngành, chọn nghề. Chẳng hạn, làm thế nào để có tâm lý vững vàng, giữ sức khỏe tốt trước kỳ thi, cách lựa chọn ngành nghề phù hợp, cách định hướng cho tương lai…
Bên cạnh đó, tại các gian hàng, đại diện các trường đại học, cao đẳng tư vấn giải đáp, giới thiệu thông tin, định hướng cho học sinh chọn ngành, nghề “hot” trong thời gian đến.
Trong khuôn khổ chương trình, các học sinh tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động sôi nổi tại gần 30 gian hàng triển lãm của các trường đại học, cao đẳng, trung tâm du học.