Sinh viên làm gia sư có phải đăng ký kinh doanh?
Không chỉ có giáo viên dạy thêm, nhiều sinh viên tại các trường đại học cũng lựa chọn đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập. Nhiều em băn khoăn, việc các em đi làm gia sư thì có cần phải đăng ký kinh doanh hay không?
Theo khoản 1, Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT, Chương trình GDTX cấp THCS, Chương trình GDTX cấp THPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Hiện nay, sinh viên thường dạy thêm theo 2 hình thức: Dạy thêm cho các trung tâm, cơ sở dạy thêm; Tự mở lớp dạy thêm do mình quản lý.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu sau: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm
Như vậy, trường hợp sinh viên tự mở lớp dạy thêm thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Trường hợp sinh viên dạy thêm thông qua các trung tâm, cơ sở dạy thêm thì không cần đăng ký kinh doanh nhưng phải ký hợp đồng lao động/dịch vụ...

Ảnh minh họa.
Giải đáp thêm về băn khoăn này, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, những đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 29 được dạy thêm, không cần phải đăng ký kinh doanh.
Thông tư 29 cũng chỉ quy định người dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm sẽ được dạy thêm.
Nếu cá nhân đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh. Còn sinh viên, gia sư tự do, thậm chí giáo viên được các gia đình mời đến nhà chỉ dạy cho con em họ (không phải là học sinh mà giáo viên dạy chính khóa trên trường) không bị coi vào diện tổ chức dạy thêm, học thêm.
"Không ai cấm việc gia đình mời một người nào đó, thậm chí giáo viên (không dạy chính khóa học sinh đó trên trường) đến dạy, kèm cặp cho con họ cả. Gia đình mời thầy cô đến dạy cho con em mình thì thầy cô tổ chức điều gì? Nhưng khi có thêm vài học sinh khác, dù có con em của mình trong đó, phụ huynh vẫn bị coi là tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Còn giáo viên dù được gia đình mời đến dạy cho con nhưng đúng học sinh của mình dạy trên trường đó là dạy thêm "trá hình".
Tuy nhiên, nếu phụ huynh tổ chức lớp học thêm (tức có cả các học sinh khác ngoài con mình) ở nhà và mời giáo viên đến dạy thì bị coi là hoạt động tổ chức và như vậy thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29. Bởi trong trường hợp này phụ huynh sẽ thu tiền của con em các gia đình khác và trả tiền cho giáo viên. Như vậy, phải đăng ký kinh doanh.
Đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Thông tư 29 quy định với việc dạy thêm đối với các môn học trong chương trình phổ thông. Khi nói không dạy thêm đối với học sinh tiểu học tức không dạy thêm những môn học theo nội dung của chương trình; còn những môn học không thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018 không thuộc vào định nghĩa dạy thêm, học thêm. Ví dụ như tiếng Anh, không dạy nội dung như trong chương trình, sách giáo khoa mà dạy theo hình thức, phương pháp khác để phát triển các kỹ năng nghe, nói,... không chịu sự điều chỉnh của Thông tư 29".
Dạy thêm không đăng ký kinh doanh bị phạt thế nào?
Khoản 1, Điều 62, Nghị định 122/2021 của Chính phủ áp dụng mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định. Đồng thời, mức phạt tiền trên cũng áp dụng với hành vi sau đây: Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh; Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh; Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 122/2021 cũng quy định mức phạt 5 - 10 triệu đồng sẽ thực hiện đối với cá nhân. Còn với tổ chức, mức phạt tiền cao gấp 2 lần mức phạt tiền cá nhân.
Riêng trường hợp dạy thêm phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện, mức xử phạt được áp dụng thep quy định tại khoản 4, Điều 46, Nghị định 122/2021 từ 50 - 100 triệu đồng với một trong các hành vi sau: Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký; Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Như vậy, nếu dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng với cá nhân và phạt từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức. Trường hợp hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với tổ chức; cá nhân bị phạt từ 25 - 50 triệu đồng.