Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-36 tháng tuổi tại khu công nghiệp, khu chế xuất

Việc Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất từ 2024-2030 là một thuận lợi lớn và là cơ hội để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia ý kiến xây dựng, thúc đẩy ban hành Đề án.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đề xuất chính sách bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ là mục tiêu của riêng ngành Giáo dục mà còn là mối quan tâm hàng đầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Hội đã đề ra nhiệm vụ đề xuất chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ, nội dung này đồng thời cũng là một trong những yêu cầu đầu ra Đề án 938 của Chính phủ.

Trước đó, trong các nhiệm kỳ 2012-2017, 2017-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất và triển khai thực hiện Đề án 404 Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập, tư thục tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất có đông lao động nữ.

Qua bảy năm triển khai, các cấp Hội đã thành lập và duy trình hoạt động của 951 nhóm trẻ được hỗ trợ và phát triển. Tuy nhiên, sau khi đề án kết thúc, hầu hết mô hình nhóm trẻ độc lập, tư thục chưa có tính bền vững vì thiếu chính sách hỗ trợ thực hiện lâu dài. Từ thực tế đó, rất cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất như cách thức hỗ trợ của Đề án 404, trong đó tập trung vào đối tượng trẻ từ 6 tháng đến dưới 36 tháng tuổi.

 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc.

Việc Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất từ 2024-2030 là một thuận lợi lớn và là cơ hội để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia ý kiến xây dựng, thúc đẩy ban hành Đề án, góp phần giải quyết được những nhu cầu cấp thiết đang đặt ra trong chính sách phát triển giáo dục mầm non tại địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chia sẻ tại hội thảo, chị Nguyễn Thị Lan, chủ Trường mầm non tư thục Hoa Anh Đào, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, thực trạng, các nhà trường và nhóm trẻ tư thục đang phổ biến nhận lứa tuổi từ 24-36 tháng là chủ yếu. Có một số nhà trường và nhóm tư thục có nhận lứa tuổi nhỏ hơn 24 tháng nhưng hầu như số lớp cho độ tuổi này ít. Bởi, hầu hết các chủ trường cho rằng việc chăm sóc trẻ em ở độ tuổi này phức tạp, dễ gặp rủi ro, đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm, có tình yêu thương, tận tâm, kiên nhẫn khi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và đòi hỏi giáo viên phải có sức khỏe mới có thể đảm đương tốt công việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhóm trẻ này.

“Đối với các cháu dưới 24 tháng tuổi thì hầu hết đang được chăm sóc tại nhà nếu có ông bà hỗ trợ, được gửi ở gia đình tư nhân thuê ông bà hết tuổi lao động chăm sóc hoặc ở các nhóm trẻ gia đình. Và cũng không phải địa điểm nào nhận chăm sóc các cháu đều đạt tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng chăm sóc”, chị Nguyễn Thị Lan cho biết.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em, Cục trẻ em ( Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện pháp luật, chính sách trẻ em nói chung và phát triển toàn diện trẻ em nói riêng; chú trọng chính sách trợ giúp phát triển toàn diện trẻ em đến tám tuổi, đặc biệt 36 tháng tuổi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội có nội dung liên quan đến trẻ em, các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực trẻ em; quan tâm bố trí nhân lực và tài chính để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cần bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, trong đó ưu tiên nguồn lực chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em, bảo vệ trẻ em; phát triển mạng lưới, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp và ban hành chính sách hỗ trợ.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng thực thi các chính sách có liên quan đến phát triển cơ sở giáo dục mầm non và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em dưới 36 tháng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có đông lao động nữ di cư; thực trạng, nhu cầu và khả năng đáp ứng của các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non đang nhận nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở trên địa bàn…

Đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng chính sách nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn trẻ mầm non dưới 36 tháng tuổi tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Lê Thúy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-cham-soc-giao-duc-tre-tu-6-36-thang-tuoi-tai-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-post826328.html
Zalo