Chủ tịch cũng phải làm cụ thể!

'...Không, em là lãnh đạo rồi, em không làm những việc cụ thể... cái này phải có cán bộ trình lên em em mới ký, em bây giờ lãnh đạo mà đi làm cái thủ tục thế này... Em chỉ ngồi đằng sau này thôi, có các tiếp dân, mọi người làm thủ tục đưa vào đây, em chỉ ký thôi'. Nội dung này được Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết là trả lời của ủy viên ủy ban, phó chủ tịch UBND xã khi ông hỏi. Trông vị này rất 'oách', Tổng Bí thư nói.

Từ câu chuyện trên, tôi chợt nhớ lại đầu năm mới sau tết Giáp Thìn 2024, người dân đến Phường 5, TP. Đông Hà để thực hiện các thủ tục hành chính đông nghịt.

Tại bộ phận “một cửa” của phường, trong căn phòng chật hẹp nhưng có đến bốn người ngồi làm việc sát nhau. Những người này đều làm các công việc cụ thể, như hướng dẫn người dân, trực tiếp viết vào giấy tờ và ký, đóng dấu ngay tại chỗ.

Thấy “lạ” nên tôi nhìn kỹ mới biết trong số bốn người đó có cả Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Phường 5 Lê Quang Việt Sơn (hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đông Hà). Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng, bởi người đứng đầu về Đảng và chính quyền một phường thường “oai” lắm, ngồi phòng riêng và đợi nhân viên đến trình ký, một người giải thích: Đầu năm việc nhiều nên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch phường ngồi luôn ở bộ phận một cửa để hỗ trợ anh em, cùng xử lý việc cho nhanh, nhất là khỏi mất thời gian lên xuống phòng làm việc của sếp ở tầng hai hàng chục lần trong buổi để trình ký.

Hai câu chuyện tương phản, thể hiện hai phong cách lãnh đạo khác nhau nhưng cũng khá phổ biến hiện nay.

Theo quan điểm thứ nhất, người lãnh đạo không nên làm việc trực tiếp, cụ thể. Nhiệm vụ của lãnh đạo là giao việc, chỉ đạo, sau đó trên cơ sở kết quả thực hiện của cấp dưới để đưa ra các quyết định tiếp theo.

Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng, người lãnh đạo không chỉ giao việc, chỉ đạo, đưa ra các quyết định mà còn trực tiếp thực hiện các công việc cụ thể. Vậy, vì sao có hai phong cách lãnh đạo có phần trái ngược nhau này?

Những người theo quan điểm thứ nhất lập luận, lãnh đạo không nên trực tiếp thực hiện một công việc cụ thể nào đó, vì như vậy là làm thay, lấn sân, làm mất đi sự chủ động, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới; phải để cho cấp dưới làm, có vướng mắc, khó khăn thì xin ý kiến chỉ đạo. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng đâu là lý do thực?

Thực tế, những người lãnh đạo không làm trực tiếp thường rơi vào các trường hợp như: Người có tính quan cách, đạo mạo, cho rằng lãnh đạo là chỉ làm việc “lớn”, đưa ra quan điểm, chủ trương và chỉ đạo, còn trực tiếp thực hiện các công việc mang tính chuyên môn, kỹ thuật là nhiệm vụ của nhân viên.

Thứ hai, xuất phát từ thái độ “lười” làm việc, giao hết việc cho cấp dưới, chỉ đạo vài ý, rồi chờ cấp dưới trình để ký duyệt.

Thứ ba là do chuyên môn, nghiệp vụ yếu nên không thể trực tiếp thực hiện một công việc cụ thể.

Cho nên có thể khẳng định, những lập luận đưa ra để lựa chọn phong cách lãnh đạo không làm trực tiếp như nói trên chỉ là ngụy biện cho những người có thái độ quan cách, lười biếng hoặc năng lực yếu kém. Bởi, nếu chỉ giao việc, chỉ đạo thì không mất bao nhiêu thời gian; dự họp, hội nghị, hội thảo, đi công tác... thì cũng không phải việc thường xuyên, hàng ngày đối với nhiều lãnh đạo.

Vậy, thời gian còn lại trong tám giờ hành chính, những vị lãnh đạo này làm gì mà không trực tiếp thực hiện công việc cụ thể, trong lúc cán bộ cấp dưới thì làm không kịp việc?

Cũng trong câu chuyện về ông ủy viên ủy ban, phó chủ tịch xã nói trên, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nếu không làm cụ thể thì làm gì? Đó là quan điểm rất lạc hậu, phải sửa, không phải chỉ chờ cán bộ cấp dưới làm những việc đó.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh thần là phục vụ Nhân dân, có việc của dân mình phải làm, chủ tịch cũng phải làm cụ thể!

Tùng Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chu-tich-cung-phai-lam-cu-the-189906.htm
Zalo