Nạn nhân bị cưỡng bức thường mắc hội chứng tâm lý gì?

Các triệu chứng bao gồm: căng thẳng, suy nghĩ lặp lại về một sự việc, hồi tưởng lại sự việc đó qua những hình ảnh sống động và u ám, rối loạn giấc ngủ, dễ bị khích động, có xu hướng tự cô lập.

Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn

PTSD (Posttraumatic stress disorder) ngụ ý dải triệu chứng có thể trải nghiệm sau khi tham gia những sự kiện bạo lực hay thảm họa khiến họ bị căng thẳng hay sợ hãi.

Người mắc PTSD tiêu biểu là người từng trải qua chiến tranh, bị tra tấn, bị lạm dụng, bị cưỡng hiếp hoặc bị tấn công, từng bị tai nạn giao thông, từng giáp mặt với hỏa hoạn, thảm họa xây dựng, lũ lụt, động đất, hay nạn đói. Các triệu chứng bao gồm: căng thẳng, suy nghĩ lặp lại về một sự việc, hồi tưởng lại sự việc đó qua những hình ảnh sống động và u ám, rối loạn giấc ngủ, dễ bị khích động, có xu hướng tự cô lập.

PTSD có thể đặt ra mối đe dọa cho sự an toàn thể chất của người mắc phải nó hay người khác. Nó để lại một cảm giác sợ hãi và vô vọng. Mặc dù PTSD có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, nó xuất hiện nhiều nhất ở người mới trưởng thành.

 Ảnh minh họa.Nguồn: Notus.

Ảnh minh họa.Nguồn: Notus.

PTSD có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào từ một tuần đến 30 năm sau sự kiện gây chấn động. Nó nhiều khả năng diễn ra ở những người độc thân, đã ly hôn, góa chồng (hoặc vợ) và kém tích cực xã hội. Cựu chiến binh và những người sống sót sau thảm họa thường trải nghiệm PTSD. Ước tính tỷ lệ mắc PTSD trong dân số Hoa Kỳ là từ 1 đến 3% mặc dù con số này hẳn phải thấp hơn thực tế vì người mắc nó thường không tìm kiếm sự điều trị.

Các rối loạn Dạng Cơ thể

Các rối loạn dạng cơ thể (somatoform) được đặc trưng bởi những triệu chứng thể chất gợi ý một căn nguyên y khoa nhưng không được giải thích hoàn toàn bởi rối loạn y khoa nào như dùng thuốc, bệnh tật, hay bị mắc thêm một rối loạn tâm thần khác. Việc khảo sát thường tiết lộ căn nguyên tâm lý chứ không phải thể chất.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các triệu chứng nằm trong tầm kiểm soát, tương phản với các rối loạn giả bệnh (xem khung trang 48). Hai dạng nổi tiếng nhất của rối loạn dạng cơ thể là các rối loạn gọi là cuồng loạn (histeria) và lo bệnh (hypochondria).

Lo bệnh: một rối loạn bản thể (somatization disorder)

Rối loạn lo bệnh (hypochondria) còn được gọi là hội chứng Briquet. Ngày nay, nó thường được gọi là “rối loạn bản thể”, khi người bệnh báo cáo cảm thấy đau nhức ở nhiều phần cơ thể. Rối loạn này là phổ biến và diễn ra ở khoảng 1% người trưởng thành nữ. Việc nam mắc rối loạn này là một điều rất không bình thường. Rối loạn này thường khởi đầu ở độ tuổi 30.

Cuồng loạn: một rối loạn chuyển đổi (conversion disorder)

Rối loạn cuồng loạn, hay rối loạn chuyển đổi, là những triệu chứng thể chất không thể giải thích. Chúng ảnh hưởng đến các chức năng vận động tự ý (kiểm soát các chuyển động của cơ thể) theo cách gợi ý rằng sự vận hành của hệ thần kinh đã bị ảnh hưởng, bằng chứng là mọi tổn hại đều không thể tìm ra và có khả năng không hiện diện. Các triệu chứng bao gồm co giật, rung lắc, mù, điếc, mất xúc giác, liệt tay hay chân.

Căn nguyên và điều trị

Theo định nghĩa, không có căn nguyên thể chất hiển nhiên nào cho các rối loạn dạng cơ thể. Chúng có thể liên hệ với những xung đột cảm xúc không thể hóa giải hay liên hệ với hành vi tìm kiếm sự chú ý. Các chuyên gia y học đã tìm cách không khuyến khích mong mỏi của bệnh nhân, đổ lỗi rằng các căn nguyên thể chất đã gây ra các triệu chứng của họ, một phần bằng cách đảm bảo các bác sĩ và các nhà phẫu thuật không áp dụng quá mức các quy trình chẩn đoán hay các điều trị bằng phẫu thuật để đáp lại những than phiền.

Rối loạn ám ảnh - cưỡng bức

Rối loạn ám ảnh - cưỡng bức (obsessive compulsive disorder, OCD) là một rối loạn dài lâu và gây bất lực, đặc trưng bởi việc suy nghĩ dai dẳng (ám ảnh) dẫn đến lo lắng và những hành động lặp lại.

Người mang rối loạn này cảm thấy bị ép buộc phải thực hiện những hành động lặp đi lặp lại để tránh lo âu. Những ám ảnh thông thường bao gồm: sợ mầm bệnh, sợ bệnh tật hay sợ thảm họa. Những cưỡng bức thông thường bao gồm: rửa tay, liên tục lau rửa hay chải chuốt, có những hành vi kiểm tra như liên tục xoay nắm cửa để xem cửa đã được khóa hay chưa.

OCD ảnh hưởng đến từ 1 đến 3% tổng dân số Hoa Kỳ. Nó diễn ra ngang bằng nhau ở nam và nữ, và thường bắt đầu vào thời kỳ mới trưởng thành mặc dù cũng có thể đến từ tuổi thơ. Người mang rối loạn này thường trì hoãn việc điều trị vì sợ thay đổi hoặc vì ngượng ngùng. Hậu quả là những triệu chứng ám ảnh - cưỡng bức nhiều khả năng được thiết lập vững chắc vào thời gian việc điều trị bắt đầu.

Các lý thuyết sinh học

Các lý thuyết sinh học về rối loạn lo âu tập trung vào tác động của những thay đổi hóa học và vật lý trong não. Khi các chất dẫn truyền thần kinh được phóng thích trong não, chúng kích thích hệ thần kinh thực vật (autonomic nervous system), gây ra những thay đổi trong nhịp tim, nhịp thở và trong căng cơ.

Người mắc rối loạn lo âu có thể phản ứng quá mức với kích thích của hệ thần kinh thực vật. Ví dụ, người mắc PTSD có mức dẫn truyền thần kinh cao hơn so với phần dân số còn lại, khiến họ hưng phấn hơn và cảnh giác hơn trước hiểm nguy.

Rủi thay, những phát hiện nghiên cứu thiếu nhất quán thường hạn chế quy mô của các lý thuyết sinh học về những căn nguyên của rối loạn lo âu. Nghiên cứu gợi ý rằng mặc dù những thay đổi sinh học là một yếu tố trong việc phát triển và duy trì những rối loạn lo âu, nhưng chúng không phải là yếu tố duy nhất.

Nhiều tác giả/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nan-nhan-bi-cuong-buc-thuong-mac-hoi-chung-tam-ly-gi-post1499520.html
Zalo