Ngồi nhiều ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Hầu như chúng ta thường không quá quan tâm đến thói quen ngồi nhiều có hại cho sức khỏe như thế nào cho đến khi phát hiện những triệu chứng bệnh. Việc ngồi một chỗ lâu ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, nếu tình trạng kéo dài sẽ khiến cơ thể kiệt sức và dễ mắc các chứng bệnh mạn tính.
Dưới đây là những nguy cơ mắc bệnh khi ngồi làm việc nhiều giờ mỗi ngày:
Các bệnh liên quan đến xương khớp
Hệ xương là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Xương của những người tập thể dục thường xuyên có xu hướng chắc khỏe hơn những người không tập hoặc ít tập luyện. Vì vậy, bất cứ một ai ngồi bất động trong thời gian dài thường dễ mắc hội chứng xương yếu, thoái hóa xương.
Một trong những tác hại của việc ngồi nhiều là nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương khớp cao hơn. Có thể kể đến như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống…Nguyên nhân chính là do khi ngồi trong thời gian dài, cột sống, cổ, lưng sẽ chịu áp lực lớn đến từ trọng lượng cơ thể. Từ đó dễ gây ra các triệu chứng như đau lưng, mỏi lưng, mỏi cơ bả vai gáy,...
Béo bụng
Ngồi lâu một chỗ với tư thế gập bụng, ít hoạt động, ăn uống không lành mạnh... là những tác nhân gây tình trạng béo bụng.
Nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì đặc biệt là béo bụng chủ yếu là do ngồi tĩnh tại nhiều, ít hoạt động, cùng với đó là thói quen ngồi lâu trên ghế với tư thế gập bụng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, cũng như khiến việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bạn trở nên khó khăn hơn.
Một số căn bệnh gia tăng do béo phì có thể thực sự thay đổi cách bạn sống. Ví dụ, béo phì có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2, đột quỵ, tim mạch, nhiều bệnh ung thư, và thậm chí có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Ngoài các tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng, béo phì có thể ức chế khả năng cử động cơ thể dễ dàng và thậm chí dẫn đến đau lan rộng. Vì vậy, một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe này là duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Tất nhiên, trọng lượng cơ thể khỏe mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để thực hiện.
Bệnh lý tim mạch, giãn tĩnh mạch
Theo nghiên cứu mới của Hiệp hội tim mạch Mỹ, việc ngồi quá nhiều và ít hoạt động sẽ gây tổn hại cho tim và các mạch máu.
Một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch là tác hại của ngồi nhiều có thể gây ra. Cụ thể với các bệnh như suy tim, huyết áp cao, tắc động mạch vành,...
Sau các nghiên cứu, nhiều chuyên gia nhận thấy người ngồi hơn tám tiếng một ngày có nguy cơ tử vong do bệnh tim nói chung cao hơn 20%. Những người ngồi nhiều giờ nhất và ít tập thể dục có tỷ lệ tử vong sớm hơn vì đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 50%.
Bên cạnh đó, khi đi bộ hay chạy nhảy thì các cơ chân sẽ co lại và tạo áp lực lên các mạch máu ở bàn chân. Điều này giống như mỗi bước chân di chuyển tương tự một lần bơm máu, giúp việc lưu thông máu hoạt động bình thường. Do đó, ngồi trong thời gian dài dẫn đến tuần hoàn máu kém, biểu hiện rõ ở tình trạng giãn tĩnh mạch.
Dễ mắc các bệnh về tiết niệu, tiêu hóa
Người thường xuyên ngồi nhiều có nguy cơ mắc các bệnh về tiết niệu cao hơn bình thường. Trong đó, nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Nguyên nhân chính là ngồi một chỗ quá lâu khiến cơ thể kém vận động, máu lưu thông kém trong cơ thể cùng với sự ứ đọng nước tiểu khiến bàng quang tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Tương tự, nếu ngồi làm việc liên tục nhiều giờ mỗi ngày thì sẽ tăng nguy cơ gặp các vấn đề về tiêu hóa. Nguyên nhân là việc ngồi liên tục đồng nghĩa với việc các vận động của cơ thể bị hạn chế. Chính điều này khiến nhu động ruột, và dịch tiết ruột – dạ dày có xu hướng giảm. Tình trạng kéo dài khiến chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng, dễ gây ra tình trạng táo bón, đầy bụng, chướng hơi, chán ăn, tiêu chảy,...
Lời khuyên thầy thuốc
Trên thực tế, do đặc thù của công việc, nhiều người phải ngồi nhiều và liên tục trong ngày. Vì vậy, để khắc phục chúng ta cần ngồi đúng tư thế (lưng thẳng, mắt nhìn thẳng, hạn chế cúi xuống). Cứ mỗi 1 - 1.5 tiếng ngồi làm việc, bạn nên vận động nhẹ (có thể là đứng dậy đi lại, tập các bài tập thể dục văn phòng) trong khoảng 5 - 10 phút.
Khi nói chuyện điện thoại, bạn có thể đứng dậy hoặc kết hợp với đi lại nhằm tranh thủ vận động cơ thể. Tập thể dục nhẹ nhàng vào các giờ nghỉ giải lao. Ngoài ra, cần ưu tiên đi cầu thang bộ hay đi bộ bất kỳ lúc nào có thể.
Cần tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày. Tốt nhất là nên tập vào sáng sớm và tập các bài thể thao nhẹ trước giờ đi ngủ (yoga, đi bộ, đạp xe,...). Dọn dẹp nhà cửa khi có thời gian rảnh để tăng cường các vận động.