Năm Tỵ và những mốc son trong lịch sử dân tộc
BPO - Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi ra đời đến nay là lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước. Vì, phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Chính phương thức giữ nước ấy đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa giữ nước riêng biệt của dân tộc Việt Nam. Và biểu hiện cao nhất của văn hóa giữ nước là tinh thần tự tôn cùng với ý chí tự lập, tự cường dân tộc. Điểm lại suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm qua cho thấy, rất nhiều năm Tỵ có ý nghĩa vô cùng to lớn với cuộc trường chinh lâu dài và anh dũng của dân tộc. Nhân dịp xuân Ất Tỵ 2025, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những năm Tỵ đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam.
Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941 - Tranh: Trịnh Phòng
Năm Quý Tỵ - 208 trước công nguyên: Thục Phán, thủ lĩnh tộc người Âu Việt ở miền núi, sau cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi, đã thống nhất các tộc người Âu Việt và Lạc Việt, lập nên Nhà nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, thay thế và phát triển nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Năm Kỷ Tỵ - 1029: Nhà Lý khởi công xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long. Trung tâm là điện Thiên An, nơi có con rồng hiện lên. Hai bên tả hữu dựng điện Tuyên Đức và Diên Phúc. Phía trước là sân rồng, phía Đông sân rồng dựng điện Văn Minh. Phía Tây sân rồng dựng điện Quảng Vũ, phía sau dựng điện Trường Xuân. Bên ngoài đắp vòng thành bao quanh gọi là Long Thành.
Năm Đinh Tỵ - 1077: Nhà Tống cử đạo quân hùng hậu do các tướng giỏi Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào nước ta. Quân dân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của tướng quân Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu ngăn bước tiến của kẻ thù. Ngày 18-1-1077, trên phòng tuyến này đã vang lên bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam - “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Năm Kỷ Tỵ - 1149: Việc thông thương giữa Đại Việt với các nước phát triển. Tháng 2 âm lịch, thuyền buôn 3 nước: Trảo Oa, Lọ Lạc và Xiêm La vào Hải Đông (vùng biển Quảng Ninh) xin được ở lại buôn bán. Vua Lý đồng ý cho họ ở lại ngoài đảo Vân Đồn và cho thiết lập trang Vân Đồn để tiện mua bán, thông thương bằng đường biển.
Năm Đinh Tỵ - 1257: Tướng Ngột Lương Hợp Thai của Mông Cổ đã 3 lần sai sứ đi theo sông Hồng tới Thăng Long dụ vua Trần đầu hàng, cả 3 lần sứ giả đều bị bắt giam vào ngục. Hợp Thai bèn dẫn quân tràn vào kinh thành Thăng Long tàn phá nhưng không bắt được vua Trần. Tướng Mông Cổ tức giận muốn tiến công ngay, nhưng do thủy thổ không hợp quân sĩ bị ốm la liệt, y phải bỏ cuộc rút chạy về Vân Nam. Chạy đến trại Quy Hóa bị chủ trại là Hà Bổng đem dân binh ra đuổi đánh, quân Mông Cổ phải tháo chạy về nước.
Năm Quý Tỵ - 1473: Tháng Giêng, vua Lê Thánh Tông thân hành cày ruộng tịch điền và đốc xuất các quan đi theo cùng cày. Tập tục này do vua Lê Đại Hành khởi xướng từ gần 500 năm trước, nhân dịp xuân mới hằng năm nhằm động viên nông gia cày cấy. Cũng trong năm này, vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm uống rượu để hạn chế nạn chè chén say sưa, bỏ bê công việc trong các quan.
Năm Quý Tỵ - 1533: Nguyễn Kim đưa một người con còn nhỏ tuổi của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh lên ngôi vua ở Ai Lao, tức Lê Trang Tông, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, mở đầu sự nghiệp trung hưng của nhà hậu Lê.
Năm Kỷ Tỵ - 1689: Tháng 6 âm lịch, triều đình Lê - Trịnh đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm bảo toàn lãnh thổ quốc gia, sai xứ sang nhà Thanh đòi trả lại các châu Bảo Lạc, Thủy Vị, Vị Xuyên, Quỳnh Nhai.
Năm Quý Tỵ - 1773: Tháng 2, nghĩa quân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo đánh chiếm thành Quy Nhơn, tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên hoảng sợ bỏ chạy. Sau khi hạ thành Quy Nhơn, nghĩa quân tấn công liên tiếp các phủ Quảng Ngãi, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận. Thế lực của nghĩa quân từ đó ngày càng mạnh rồi lật đổ triều Lê - Trịnh - Nguyễn thối nát và đánh tan 20 vạn quân Thanh.
Năm Ất Tỵ - 1785: Được Nguyễn Ánh cầu cứu, vua Xiêm sai 2 tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 3 vạn bộ binh, 2 vạn thủy binh cùng 300 chiến thuyền sang chiếm Mỹ Tho, Sa Đéc và Gia Định. Lúc đó Nguyễn Nhạc cử em là Nguyễn Huệ chỉ huy quân đội chống Xiêm. Nguyễn Huệ nhử quân Xiêm đến Rạch Gầm - Xoài Mút và tiêu diệt gần hết 5 vạn quân, giành lại toàn bộ đất đai.
Năm Đinh Tỵ - 1857: Vào tháng 8 âm lịch, vua Tự Đức ban hành lệnh cấm đạo. Vì thế, tư bản phương Tây mượn cớ đẩy mạnh việc vũ trang xâm lược Việt Nam và vua nước Pháp lúc bấy giờ là Napoleon III đã thông qua quyết định vũ trang xâm lược Việt Nam.
Năm Ất Tỵ - 1905: Công cuộc Đông Du được triển khai do Phan Bội Châu khởi xướng. Phong trào có mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập nước nhà.
Năm Đinh Tỵ - 1917: Tuy đi lính cho Pháp nhưng Đội Cấn lại là người chịu ảnh hưởng và khâm phục tinh thần yêu nước chống Pháp của nghĩa quân Đề Thám. Ngày 30-8, Trịnh Văn Cấn, tức Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo binh lính yêu nước đã giết chết viên giám binh Pháp, phá nhà tù Thái Nguyên. Sau đó, nghĩa quân tuyên bố Thái Nguyên độc lập. Ngày 11-1-1918, quân Pháp tấn công lên căn cứ tại núi Pháo, để không rơi vào tay giặc, ông đã tự sát.
Năm Kỷ Tỵ - 1929: Tháng 3, chi bộ cộng sản đầu tiên gồm 7 đảng viên: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính, Kin Tôn, do Trần Văn Cung làm bí thư chi bộ được thành lập. Sau đó, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời là: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng; Đông Dương Cộng sản liên đoàn, là cơ sở ra đời cho Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.
Năm Tân Tỵ - 1941: Sau 30 năm tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Mặt trận Việt Minh đã xây dựng lực lượng quần chúng, tổ chức các đoàn thể cứu quốc ở cả nông thôn, thành thị, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Ngày 11-11-1945, Đảng phải rút lui vào bí mật, cho đến năm 1951 thế nước đã vững vàng mới họp đại hội đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Năm Quý Tỵ - 1953: Tháng 11, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất và quyết định thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do nhằm thực hiện “người cày có ruộng”. Cuộc cải cách ruộng đất đã góp phần quyết định vào chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến toàn thắng.
Năm Ất Tỵ - 1965: Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa lính vào miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc. Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu, 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Năm Tân Tỵ - 2001: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 19 đến 22-4-2001 ở Hà Nội. Bước vào thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những chuyển biến quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Năm Ất Tỵ - 2025: Là năm đánh dấu một sự kiện lớn, đó là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội sẽ vạch kế sách, đường lối, chiến lược xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tự hào về truyền thống của cha ông, về những gì đã đạt được của đất nước trong những năm qua, chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì một ngày mai tươi sáng.
(Theo Đại Việt sử ký toàn thư)