Cây trong vườn Bác

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ môi trường tự nhiên trong lành và nâng cao đời sống cho người dân. Người chọn việc trồng cây là điểm xuất phát để bảo vệ môi trường và kêu gọi mọi người ra sức trồng cây, gây rừng.

Sự nghiệp trồng cây được Bác xem trọng như sự nghiệp trồng người, bởi trồng cây hay trồng người cũng là phục vụ lợi ích của con người.

 Bác Hồ trồng cây tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-2-1969 (ảnh tư liệu).

Bác Hồ trồng cây tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-2-1969 (ảnh tư liệu).

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và trực tiếp chỉ đạo “Tết trồng cây”. Có lần, Bác nhắc: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Bác nói thế là bởi, theo quy luật tự nhiên, 1 năm có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; mùa xuân mở đầu cho một năm mới với bao điều tốt đẹp.

Thời tiết ấm áp khiến cây cối đâm chồi, nảy lộc xanh tươi, muôn hoa đua nở khoe sắc, tỏa hương. Đâu đâu cũng ríu rít tiếng chim, tạo nên khung cảnh đẹp đẽ tràn đầy sức sống. Vì thế, mùa xuân được coi là mùa sinh sôi phát triển nhất trong năm.

Chọn mùa xuân để trồng cây là vì thế, nhưng suy rộng ra, không hẳn chỉ trồng cây vào mùa xuân, mà còn tùy thuộc vào thời tiết khí hậu của từng vùng miền mà chọn thời điểm trồng cây cho phù hợp; từ đó làm cho việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng trở thành phong trào rộng khắp và thường xuyên. Theo Bác, việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều.

“Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng kinh tế ở miền Bắc, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12).

Nếu có dịp về Thủ đô Hà Nội, thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chúng ta sẽ được các hướng dẫn viên ở đây thuyết minh về cây trong vườn Bác. Ở đó có hồ nước mát, có thảm cỏ xanh quanh năm, đặc biệt có vườn cây với đủ loài khác nhau, từ cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ kết hợp hài hòa và sinh động, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình.

Ở Phủ Chủ tịch, Bác luôn tự mình trồng, chăm sóc cây cỏ, hoa lá và làm gương để mọi người cũng luôn biết yêu cây và chăm sóc cây xanh. Với Bác, việc trồng cây không những chỉ lấy bóng mát, cho cảnh quan thêm tươi đẹp, cho không khí thêm trong lành, mà hơn thế còn vì lợi ích kinh tế-xã hội. Đọc những gì Bác viết về cây, chúng ta thấm nhuần điều đó vậy.

Trước khi Bác về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (tháng 11-1959), khu vườn ở đây chưa có nhiều loại cây như ngày nay. Sau khi Bác về, những khoảnh đất xung quanh nhà sàn dần dần được cải tạo thành khu vườn trồng rau, trồng nhiều loại cây ăn quả như: vú sữa, dừa, vải, nhãn, bưởi, cam, táo, hồng và cũng có rất nhiều loại hoa như hoa nhài, ngọc lan, râm bụt, phong lan...

Mỗi loài cây, mỗi loại hoa đều có một ý nghĩa gắn với kỷ niệm của Bác. Bởi vậy, khi Bác mất, nhà thơ Tố Hữu mới xót xa thốt ra những câu thơ nhói lòng: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài/Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/Quanh mặt hồ in mây trắng bay”.

Theo tìm hiểu của người viết, cây trong vườn Bác có nhiều loài (161 loài, 54 họ thực vật), tạo nên hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, đẹp một cách tự nhiên, phần nào nói lên cách sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên của Người.

Sau khi Bác Hồ qua đời (2-9-1969), vườn cây trong khu Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên vẹn; đồng thời có lúc trở thành phong trào xây dựng “vườn quả Bác Hồ” được phát động ở một số nơi. Nhiều địa phương trong cả nước nhận những giống cây ăn quả từ “vườn cây Bác Hồ”. Và ngược lại, nhiều địa phương đã đưa những giống cây trái đặc sản về trồng trong “vườn cây Bác Hồ”, làm cho khu vườn thêm ý nghĩa và phong phú, đa dạng như ngày nay.

Ở Gia Lai, tôi còn nhớ, vào mùa mưa năm 1981, trong chuyến công tác Hà Nội, đồng chí Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ)-Bí thư Tỉnh ủy đã xin 2 cây bưởi ở vườn Bác đem về trồng trước cổng hội trường 20 Lê Hồng Phong (TP. Pleiku). Nhờ được chăm bón cẩn thận nên cây lớn nhanh, quả trĩu cành. Tuy nhiên, qua mấy lần cải tạo khu vực hội trường, số cây này đã được di dời đi nơi khác.

 Cây đa “Kiên trì” bên đường dẫn vào Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Xuân Tùng

Cây đa “Kiên trì” bên đường dẫn vào Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Xuân Tùng

Về thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng hiểu hơn giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của nơi đây, giúp chúng ta hiểu rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng, những việc làm của Bác mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc đối với các thế hệ ngày nay.

Xuân này nữa là tròn 50 năm đất nước thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên con đường hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và về môi trường sinh thái nói riêng mãi mãi là biểu tượng nhân cách vĩ đại của Người để các thế hệ người Việt Nam noi theo.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cay-trong-vuon-bac-post308248.html
Zalo