Nậm Pồ khó triển khai trồng mắc ca

Mắc ca được kỳ vọng là cây trồng xóa đói giảm nghèo ở huyện biên giới Nậm Pồ. Song thực tế việc triển khai dự án trồng mắc ca chưa thuận lợi bởi người dân chưa đồng tình, nhà đầu tư thiếu quyết tâm.

Triển khai dự án trồng mắc ca, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động, nhưng kết quả chưa đảm bảo kế hoạch. Nguyên nhân cơ bản chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân; một số nhà đầu tư chưa quyết tâm triển khai dự án. Thực trạng đó đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vùng dự án và kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ chăm sóc cây mắc ca.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ chăm sóc cây mắc ca.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã trồng khoảng 106ha cây mắc ca tại 5/15 xã (Nà Khoa 9,5ha, Nà Bủng 32,25ha, Nà Hỳ 3,41ha, Vàng Đán 23,41ha, Nậm Chua 37,44ha). Trong đó, người dân tự đầu tư trồng 51,49ha; vốn nhà nước hỗ trợ thực hiện phát triển sản xuất các chương trình mục tiêu quốc gia 51,77ha; Công ty Viettel hỗ trợ 2,75ha.

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 2 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng quy mô thực hiện trồng 15.855,56ha của 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Him Lam Mắc ca Tây Bắc và Công ty cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên. Mục tiêu dự án nhằm thay đổi phương thức sản xuất nương truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất tập trung, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng suất, hiệu quả lao động; tạo việc làm ổn định cho lao động vùng dự án, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng dự án; góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều nguyên nhân, 2 dự án này đã ngừng hoạt động theo Thông báo số 2076/TB-SKHĐT ngày 17/10/2023 và Thông báo số 804/TB-SKHĐT ngày 17/4/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên. Từ khi triển khai đến khi ngừng hoạt động trên địa bàn huyện Nậm Pồ cả 2 dự án không triển khai trồng cây mắc ca.

 Cây mắc ca được chăm sóc, bón phân định kỳ nên phát triển tốt.

Cây mắc ca được chăm sóc, bón phân định kỳ nên phát triển tốt.

Lý giải nguyên nhân, ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai dự án, ngay khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã khẩn trương vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo huyện, thành lập 4 tổ giúp việc Ban chỉ đạo; chỉ đạo thành lập 121 tổ dân vận cơ sở trực tiếp họp, tuyên truyền đến người dân các bản về tương lai, hiệu quả cây mắc ca và cơ hội việc làm mà các dự án mắc ca đem lại.

Song, đáp lại sự vào cuộc trách nhiệm của địa phương thì nhà đầu tư lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Hai nhà đầu tư dự án không có hồ sơ thiết kế, không lựa chọn được vùng lõi để trồng cây mắc ca, dẫn đến nông dân chưa thật sự mặn mà tham gia hợp tác, liên kết, góp vốn... bằng đất với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hai nhà đầu tư chưa quan tâm đến công tác đo đạc quy chủ đất đai cho nông dân để họ có tài sản mang tính pháp lý về quyền sử dụng đất tham gia hợp tác, liên kết, góp vốn với nhà đầu tư.

Ông Vàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa cho biết: Trong quá trình Công ty cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên triển khai dự án trồng mắc ca trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; tổ chức các buổi họp dân bàn bạc, thống nhất phương án; tuy nhiên người dân chưa đồng thuận cao, sợ mất đất và cây trồng lâu năm nên không đồng thuận trồng mắc ca”.

 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nậm Pồ huy động nhân lực, vật lực tích cực chăm sóc diện tích mắc ca đã trồng.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nậm Pồ huy động nhân lực, vật lực tích cực chăm sóc diện tích mắc ca đã trồng.

Trước thực trạng trên, huyện Nậm Pồ đã và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp phù hợp để tái cơ cấu, khai thác hiệu quả quỹ đất và nâng cao đời sống người dân. Theo đó, đối với diện tích đất quy hoạch trồng cây mắc ca, huyện Nậm Pồ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, huyện chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư và nông dân trồng cây quế trên diện tích phù hợp. Huyện đã ban hành nhiều văn bản triển khai chính sách hỗ trợ người dân trồng quế. Cùng với hỗ trợ về cây giống, huyện đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm quế, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng quế, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống.

Rút kinh nghiệm từ dự án trồng cây mắc ca, huyện Nậm Pồ đã chủ động chỉ đạo các phòng, ban của huyện và UBND các xã có liên quan phối hợp với nhà đầu tư trong công tác đo đạc, quy chủ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tham gia hợp tác, liên kết, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời huyện tuyên truyền, vận động sâu rộng đến bà con nông dân, với phương châm năm 2024 UBND huyện đã phát động phong trào cho mỗi cán bộ, đảng viên triển khai được 178 mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, một số mô hình thực sự hiệu quả, nhân rộng cho người dân làm theo.

Hy vọng, với các giải pháp đồng bộ và sự chung tay của chính quyền và người dân, diện tích đất trồng mắc ca ngưng hoạt động sẽ được tái sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Bài, ảnh: Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/nam-po-kho-trien-khai-trong-mac-ca.
Zalo