Người cựu chiến binh biến rác thành tài nguyên

Mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Hữu Hoạch, người dân thôn 7, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) lại kể về ông bằng những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa. Ai cũng bảo, người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, luôn hết lòng vì mọi người như ông bây giờ quý và hiếm như đồng đen. Chẳng vậy mà biệt danh 'Hoạch đồng đen' cũng gắn liền với ông từ đó.

Bén duyên với xứ Tuyên

Ông Hoạch sinh năm 1950 tại Thái Bình. Năm 1972, chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ, được phân về Trung đoàn 246, đóng quân tại Tuyên Quang. 4 năm sau rời quân ngũ, ông về làm công nhân tại Xí nghiệp Mỏ địa chất chịu lửa Tuyên Quang. Năm 1990, vì lý do sức khỏe ông xin nghỉ việc, hưởng chế độ mất sức lao động và sống cùng gia đình tại xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang.

Ông nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ Thanh Bình giới thiệu dây chuyền tái chế nhựa.

Ông nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ Thanh Bình giới thiệu dây chuyền tái chế nhựa.

Sau khi xin nghỉ mất sức trở về gia đình, ông trăn trở nghĩ cách để vươn lên trong cuộc sống. Nhận thấy việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ở Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân nhiều, ông đã vận động anh em cựu chiến binh, đồng đội góp vốn mua ô tô, thành lập hợp tác xã vận tải chuyên chở dịch vụ vận tải, du lịch.

Ông Hoạch chia sẻ: “Quá trình làm dịch vụ vận tải, nhìn những vỏ lon, chai nhựa vứt đầy đường, đầy đồng gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan khiến tôi băn khoăn. Rồi đống phế thải ni lông, dép rách, những nhôm đồng, chai nhựa, vỏ lon chẳng còn dùng được vào việc gì khiến tôi suy nghĩ làm sao để gom về, rồi biến nó thành tiền. Khi đó, hầu như chưa có đơn vị vệ sinh môi trường nông thôn nào, tôi mạnh dạn lên gặp lãnh đạo xã đề xuất làm công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, đẹp. Tôi cũng vận động người thân và bà con cùng phân loại, bỏ rác vào thùng, sau đó HTX cho người chuyển lên xe ô tô chở về nơi xử lý”.

Mô hình biến rác thải thành sản phẩm hữu cơ của ông Nguyễn Hữu Hoạch được các địa phương và người dân hưởng ứng.

Mô hình biến rác thải thành sản phẩm hữu cơ của ông Nguyễn Hữu Hoạch được các địa phương và người dân hưởng ứng.

Suy nghĩ xa hơn, ông bàn với các thành viên lập đề án báo cáo và được cấp có thẩm quyền đồng ý bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ vệ sinh môi trường. Từ năm 2002, HTX vận tải số 6 được đổi tên thành HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình với ngành nghề là kinh doanh vận tải và dịch vụ môi trường.

Vì môi trường xanh, sạch, đẹp

Thời gian đầu khi mở thêm ngành nghề kinh doanh, do chưa có kinh nghiệm phân loại nhựa nên hai năm đầu cơ sở chế biến của ông Hoạch luôn chịu thua lỗ. Để duy trì hoạt động, ông đã quyết định bỏ tiền túi trả lương cho công nhân. Vậy là bao nhiêu vốn liếng ông không ngần ngại dồn hết để trả lương cho người lao động để không ai bị thiệt thòi. Ông Hoạch chia sẻ: “ Khó khăn là vậy nhưng nghĩ đến cái lợi lâu dài về môi trường, tôi càng phải cố gắng tìm hướng đi. Trước hết, tôi động viên các thành viên HTX phải gương mẫu thực hiện và kiên trì vận động bà con trong khu dân cư cùng thực hiện; phối hợp với ngành giáo dục và các trường học, tổ dân phố tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa; kết hợp tặng làn nhựa cho chị em phụ nữ đựng hàng hóa khi đi chợ để hạn chế dùng túi nilon. Tôi cũng cùng thành viên trong HTX đến các cơ sở chế biến ở tỉnh khác học tập kinh nghiệm phân loại nhựa”.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch hướng dẫn người dân cách ủ rác thải thành phân bón hữu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch hướng dẫn người dân cách ủ rác thải thành phân bón hữu cơ.

Nhờ sự quyết tâm làm đến cùng của ông, HTX bước đầu đã có thêm nguồn thu rồi dần có lãi. Năm 2012, ông Hoạch thuê đất mở rộng nhà xưởng, đầu tư lắp đặt dây chuyền tái chế nilon, nhựa phế thải, bao tải, vải bạt qua sử dụng thành hạt nhựa cung cấp cho các cơ sở sản xuất nhựa tái sinh. Các loại giấy thải được tái chế thành bột giấy làm bìa carton, than hữu cơ, làm giá thể trồng cây cảnh hoặc cung cấp cho cơ sở sản xuất tấm lợp xi măng. HTX cũng phối hợp với ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân vận động bà con đào hố ủ với men vi sinh tạo nguồn phân bón cho cây sắn, cây chè của gia đình.

Từ hai bàn tay trắng, với ý chí và nghị lực của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau hơn 30 năm kiên trì, phấn đấu, đến nay CCB Nguyễn Hữu Hoạch cùng các xã viên đã khẳng định thương hiệu HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình. Hiện nay, HTX có 1 máy tái chế nhựa phế thải, 1 máy giặt bao tải, 1 máy xeo giấy, 2 xe ô tô chuyên dụng và 5 xe điện đi vào các ngõ, các khu vực xe to không vào được. Cơ sở thu gom tái chế rác gồm ba dây chuyền. Mỗi năm cung cấp cho các cơ sở sản xuất đồ nhựa hơn 100 tấn hạt từ rác thải nhựa và gần 50 tấn bột giấy. HTX đã hình thành kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải nhựa, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm. Ngay cả việc phân loại, nghiền nhựa thành hạt tại xưởng và giặt bao tải cũng chỉ dùng phương pháp cơ học nên không gây bụi, hiệu quả gìn giữ môi trường cao. Năm 2024, doanh thu từ tái chế rác và kinh doanh vận tải của HTX đạt trên 13 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho trên 120 lao động với thu nhập từ 6 đến 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Tâm thiện của người cựu chiến binh

Nhiều năm qua, người dân thôn 7, xã Lưỡng Vượng vẫn nhắc đến câu chuyện về 3 thanh niên trong thôn từng sa ngã vào tệ nạn xã hội, nghiện hút ma túy. Đến khi họ muốn làm lại cuộc đời, đi rất nhiều nơi xin việc nhưng không đâu dám nhận, thấy vậy, ông Hoạch đã sẵn sàng đứng ra giúp đỡ. Hàng ngày, ông cử người kèm cặp, vừa để hướng dẫn công việc, vừa để giám sát giúp họ tránh khỏi cám dỗ. Đến nay, những thanh niên này đều đã trở thành lao động chính trong gia đình, xây được nhà cửa và có cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch nhận khen thưởng Ngôi sao Hợp tác xã năm 2024.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch nhận khen thưởng Ngôi sao Hợp tác xã năm 2024.

Hay chuyện ông Hoạch bỏ tiền túi giúp đỡ một số hộ gia đình nghèo trong thôn nộp tiền điện khi họ gặp khó khăn, đến việc hỗ trợ vốn giúp cựu chiến binh, hộ nghèo trong thôn có động lực vượt qua khó khăn. Ông Hoạch đã ủng hộ quỹ Covid-19, quỹ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của địa phương 112 triệu đồng, quỹ tình nghĩa 95 triệu đồng, hỗ trợ 85 triệu đồng xây nhà tặng gia đình khó khăn về nhà ở và ủng hộ quỹ từ thiện nhân đạo của địa phương…

Với những đóng góp của bản thân, ông Hoạch nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Năm 2016, ông được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng bằng công nhận “Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc. Cuối tháng 10/2024, ông được dự và trao đổi kinh nghiệm tại Diễn đàn doanh nghiệp CCB các nước ASEAN (VECONAC) lần thứ nhất do Hội CCB Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam phối hợp với Liên đoàn CCB Singapore tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Trải qua chặng đường dài đầy khó khăn, thử thách cả trong công việc và cuộc sống, điều khiến CCB Nguyễn Hữu Hoạch luôn cảm thấy hạnh phúc là được góp sức mình làm cho môi trường sống trong lành, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Với ông đó là niềm vui, là trách nhiệm để cuộc sống này trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn.

Phóng sự: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-cuu-chien-binh-bien-rac-thanh-tai-nguyen-204672.html
Zalo