Năm Ất Tỵ, Bác Hồ viết bản Di chúc đầu tiên

Nhân mùa xuân Ất Tỵ năm 2025, đọc lại bản Di chúc đầu tiên Bác Hồ viết cách đây tròn 60 năm, chúng ta học hỏi được nhiều bài học giá trị. Bản Di chúc của Bác không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, tư tưởng mà còn là những lời căn dặn sâu sắc về đạo đức, nhân cách mà chúng ta cần học tập, nuôi dưỡng, phát huy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối và toàn văn Di chúc được công bố sau khi Người đi xa. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc qua các năm cho thấy tinh thần cầu thị, quan tâm đến những điều cần thiết cho tương lai đất nước. Bác đã viết những dòng Di chúc bằng tâm huyết cả đời người, bằng trách nhiệm lớn lao đối với hậu thế, từng ý, từng lời giản dị, chân thành và trong sáng tựa như chính cuộc đời mà Bác đã sống, làm việc, cống hiến.

Bản Di chúc đầu tiên năm Ất Tỵ được Bác trình bày rất rõ ràng, mạch lạc và có hình thức chuẩn chỉnh. Phần đầu tiên của Di chúc là Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới tiêu ngữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Bên trái văn bản đề “Tuyệt đối bí mật”, bên phải đề “Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Phía cuối bản Di chúc, bên trái văn bản có sự chứng kiến của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đồng chí Lê Duẩn, bên phải là thời gian và địa điểm là “Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1965” và chữ ký Hồ Chí Minh.

Mở đầu Bác viết: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi vẫn là người “xưa nay hiếm”. Bác đã chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình với những tính từ “sáng suốt”, “khỏe mạnh”, cho thấy sức khỏe thể chất và trí tuệ lý tưởng trong thời điểm chấp bút viết di chúc. Sự tận tụy với công việc, với sự nghiệp cách mạng và tinh thần kiên cường, bất khuất của Bác luôn là biểu tượng cống hiến vĩ đại của vị lãnh tụ đáng kính trong lòng dân tộc. “Tuy vậy, tôi vẫn là người “xưa nay hiếm” lại nói lên sự khiêm nhường, giản dị của Bác khi đặt mình trong quy luật của thời gian tồn tại hữu hạn.

Tiếp đó, phần đầu tiên và quan trọng nhất của Di chúc là phần “Trước hết nói về Đảng”, Bác nhắc nhiều tới hai từ “đoàn kết”. Trong bản Di chúc năm 1965, Bác nhắc đến 7 lần từ “đoàn kết”. Còn bản Di chúc cuối cùng năm 1969, nhắc đến 8 lần từ “đoàn kết”. Điều này cho thấy sự quan tâm của Người đối với yếu tố quyết định, sống còn trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ của Đảng, để cùng hợp tác, chung tay hoàn thành những mục tiêu thắng lợi của cách mạng: “Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn, coi trọng sự đoàn kết như gìn giữ con ngươi của mắt mình” [1]. Bác đề cao tính quan trọng tuyệt đối của tình đoàn kết đối với Đảng và dân tộc, đồng thời nhắc nhở trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các cấp trong việc duy trì và phát huy sự đoàn kết, coi đó là tài sản vô giá, cần được bảo vệ. Đoàn kết không chỉ trong Đảng, mà còn đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân và giữa các lực lượng cách mạng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

“Trong thực tế, dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” [2]. Bác đề cao mối quan hệ giữa dân chủ, kỷ cương và đoàn kết trong Đảng, đồng thời đề cập đến các phương pháp nâng cao chất lượng xây dựng, chỉnh đốn Đảng như “tự phê bình và phê bình” và khẳng định rằng sự tiến bộ của Đảng phải gắn liền với sự chăm sóc, quan tâm lẫn nhau giữa các đảng viên, từ đó củng cố sự đoàn kết, thống nhất và vững mạnh của Đảng.

Vai trò quan trọng của việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước rất được Người quan tâm: “Đảng cần phải chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những con người có khả năng xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa “hồng” vừa “chuyên” [3]. Như vậy, việc giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức cách mạng sẽ giúp họ có được phẩm chất tốt như lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tự giác và hy sinh vì lợi ích chung, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong Di chúc, Bác viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân” [4]. Bác xác định tầm quan trọng của việc tăng trưởng kinh tế và văn hóa trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời cũng chỉ ra vai trò của Đảng trong việc hoạch định và thực hiện các kế hoạch phát triển đúng đắn, hiệu quả. Kinh tế vững mạnh sẽ cung cấp nền tảng vật chất cho xã hội, còn văn hóa sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và củng cố giá trị xã hội. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này giúp xây dựng một đất nước ta phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, Đảng cần thường xuyên đánh giá và điều chỉnh các kế hoạch để đảm bảo sự hiệu quả trong việc nâng cao đời sống Nhân dân như một nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài.

Kết thúc bản Di chúc là tầm nhìn chiến lược, lý tưởng và tình yêu sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, đối với tương lai và hy vọng mà Người chưa chứng kiến một cách trọn vẹn. Bác viết rằng “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [5]. Mong muốn của Bác chứa đựng tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình và thành tựu của đất nước, cũng như trách nhiệm của Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng chung của thế giới. Một lần nữa Bác khẳng định đoàn kết không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực, là sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, đạt được những thành tựu to lớn. “Xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” là lý tưởng cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới trong suốt cuộc đời hy sinh, cống hiến. Một đất nước hòa bình, thống nhất và độc lập là thành quả của cuộc kháng chiến lâu dài, kiên trì, kiên định, trong khi dân chủ và giàu mạnh là mục tiêu phát triển bền vững của tương lai.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.612

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.612

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.614

Lê Vũ Trường Giang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/nam-at-ty-bac-ho-viet-ban-di-chuc-dau-tien-150138.html
Zalo