Người già khó nhận và chi tiêu tiền trong thẻ ATM, Bộ LĐ-TB&XH nói gì ?

Cử tri một số tỉnh, thành đề nghị Chính phủ cần chi trả các chế độ chính sách an sinh xã hội như lương hưu, trợ cấp xã hội linh hoạt, vì nhiều người già gặp khó khi tiêu tiền trong tài khoản ngân hàng.

Mới đây cử tri nhiều tỉnh, thành đề nghị Chính phủ xem xét việc chi trả chế độ trợ cấp xã hội hiện nay cho phù hợp từng đối tượng. Bởi lẽ, có nhiều người khuyết tật, già yếu, đơn thân; việc tiếp cận công nghệ thông tin rất khó khăn, cần được nhận tiền mặt để thuận tiện chi tiêu trong cuộc sống, thay vì nhận qua tài khoản cá nhân.

Thêm vào đó, hiện nay việc bố trí máy rút tiền ở các tỉnh, thành còn hạn chế, chưa đảm bảo cung ứng dịch vụ cho người dân. Nhiều trường hợp người cao tuổi phải di chuyển khá xa để đến các khu vực đô thị hoặc nhờ người rút hộ với mức phí quá cao. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh trợ cấp xã hội cho người già theo hướng linh hoạt.

Nhiều người mong muốn chi trả qua tài khoản ngân hàng

Thay mặt Chính phủ trả lời nội dung trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như dịch bệnh, thiên tai, Thủ tướng chỉ đạo và Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện việc chi trả, trợ cấp xã hội theo hình thức không dùng tiền mặt.

Tính đến hết năm 2024, cả nước có gần 3 triệu người trên tổng số 5 triệu người hưởng chính sách an sinh xã hội mong muốn và đã nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Số tiền chi trả qua tài khoản cá nhân đã lên đến 24.385 tỉ đồng

“Như vậy có thể thấy các đối tượng hưởng tiền chính sách an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng tại một số tỉnh, thành đều thuận tiện, không vướng mắc…”- Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

 Người già được hướng dẫn cách nhận lương hưu qua tài khoản ATM. Ảnh: N.HƯƠNG

Người già được hướng dẫn cách nhận lương hưu qua tài khoản ATM. Ảnh: N.HƯƠNG

Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế, vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, thao tác nhận trợ cấp thông qua tài khoản điện tử… nên tâm lý e ngại, vẫn muốn được nhận trợ cấp bằng tiền mặt.

Cạnh đó, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiện nay còn hạn chế tiêu dùng thông qua tài khoản. Song song đó, hệ thống ngân hàng thương mại phát triển chưa đồng bộ; khoảng cách địa lý vùng, miền; chi phí cho việc dùng tài khoản ngân hàng... nên hình thức chi tiêu chủ yếu là tiền mặt.

Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ưu tiên việc không dùng tiền mặt nhưng linh hoạt để không bỏ sót nhu cầu của các đối tượng. Cụ thể, việc chi trả cho người dân qua các hình thức sau: chi qua tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán điện tử do pháp luật quy định hoặc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt.

Thêm vào đó, Chính phủ thực hiện chủ trương đẩy mạnh thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội (bao gồm trợ giúp xã hội) qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích.

Ngoài ra, người già khó tiếp cận dịch vụ chi trả không dùng tiền mặt thông qua công nghệ và các phương tiện hiện đại có thể ủy quyền cho người thân như con, cháu…

Nhiều chính sách hỗ trợ từ ngân hàng

Về mức phí thẻ ATM, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị hệ thống ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi với người hưởng chính sách an sinh xã hội.

Hiện nay, một số ngân hàng cam kết thực hiện các chính sách như: miễn phí duy trì tài khoản, phí duy trì ứng dụng ngân hàng điện tử, phí duy trì dịch vụ biến động thông tin tài khoản, phí giao dịch chuyển khoản …

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tự nguyện mở tài khoản ngân hàng phục vụ công tác nhận trợ cấp an sinh xã hội. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác phù hợp theo quy định.

Cũng vấn đề trên, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Ngọc Huyến, Vụ trưởng Vụ Tài chính - kế toán (BHXH Việt Nam), cho biết hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.

Cơ quan bảo hiểm đang tiến hành chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng qua hai hình thức chính là tài khoản ngân hàng (ATM) và tiền mặt. Trong đó, việc chi trả tiền mặt BHXH Việt Nam ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tại các điểm chi trả.

Với người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến điểm chi tiền, cơ quan thực hiện nhiệm vụ chi trả phải đưa đến tận nhà. Quy định này cũng được BHXH Việt Nam ghi rõ trong hợp đồng ủy quyền cho ngành bưu điện và Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) cũng quy định chi trả tại nhà với những người 80 tuổi.

Như vậy, có thể khẳng định việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho người dân được cơ quan BHXH triển khai rất linh hoạt. Trong đó, một điều dễ nhận thấy là ngành không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tiến tới việc chi trả không dùng tiền mặt giảm khâu trung gian để người dân nhận được tiền sớm và kịp thời nhất.

“Thông thường, tiền lương hưu và trợ cấp sẽ được chi trả ngay trong hai ngày đầu tháng là mùng 1, 2. Trường hợp trùng ngày nghỉ, việc chi trả sẽ lùi lại, nhưng phải đảm bảo người dân nhận được tiền sớm”- Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán nói thêm.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-gia-kho-nhan-va-chi-tieu-tien-trong-the-atm-bo-ld-tbxh-noi-gi-post830822.html
Zalo