10 sự kiện, dấu ấn nổi bật của tỉnh Ninh Bình năm 2024

Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, Ninh Bình tiếp tục có bước phát triển vững chắc, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Báo Ninh Bình điểm lại 10 sự kiện, dấu ấn nổi bật của tỉnh trong năm qua.

Một góc thành phố Hoa Lư nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Linh

Một góc thành phố Hoa Lư nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Linh

Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 28/5, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện quan trọng, nhằm công bố rộng rãi các nội dung của Quy hoạch tỉnh, đồng thời tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, mong muốn đưa Ninh Bình đến gần với các nhà đầu tư để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực, giúp Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, hài hòa trong thời gian tới. Theo Quy hoạch được công bố, Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới. Quy hoạch xác định “ba nền tảng”, “bốn trụ cột” phát triển kinh tế và “7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”. Trong đó, nền tảng quan trọng nhất là giá trị văn hóa-con người-thiên nhiên, tinh hoa văn hóa Cố đô. Về không gian phát triển, xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Ninh Bình hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình.Quyết định thành lập thành phố Hoa Lư-tạo điều kiện “hồi sinh” di sản đô thị Cố đô

Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người, có 20 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Trường Giang

Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người, có 20 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Trường Giang

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này tạo cơ hội để tỉnh Ninh Bình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cơ cấu lại đô thị, mở rộng không gian phát triển. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Ninh Bình. Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người; có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 8 xã… Việc thành lập thành phố Hoa Lư là sự tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất Cố đô; tạo nên lợi thế và giá trị đặc biệt cho phát triển kinh tế đô thị và xây dựng hình ảnh đô thị gắn với Quần thể danh thắng Tràng An; là bước đầu trong lộ trình xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước, có tầm vóc quốc tế và đảm bảo theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó thành phố Hoa Lư là hạt nhân có vai trò dẫn dắt. Nghị quyết cũng quy định cụ thể về sắp xếp đơn vị hành chính thuộc tỉnh Ninh Bình. Theo đó, sau khi sắp xếp, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị so với trước khi sắp xếp) và 125 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 18 đơn vị)... Khẩn trương triển khai Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện với mục đích, yêu cầu cụ thể. Đặc biệt, ngày 26/12/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã công bố Quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Hoa Lư. Theo đó, Đảng bộ thành phố Hoa Lư chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025. Bộ máy chính quyền thành phố cũng chính thức hoạt động cùng ngày.Ninh Bình lọt tốp 20 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất toàn quốc

Năm 2024, GRDP ngành công nghiệp ước đạt 15.494,5 tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2023), đóng góp quan trọng vào tăng trưởng DRDP của toàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thơm

Năm 2024, GRDP ngành công nghiệp ước đạt 15.494,5 tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2023), đóng góp quan trọng vào tăng trưởng DRDP của toàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thơm

Năm 2024, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc với những bước phát triển vững chắc, toàn diện; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu và nhóm các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó hoàn thành vượt mức 14 chỉ tiêu. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,56%, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, thứ 5/11 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó phải kể đến đóng góp quan trọng của một số ngành, lĩnh vực như: Sản xuất công nghiệp với mức tăng trưởng khá, GRDP ngành công nghiệp ước đạt 15.494,5 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023. Các ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ, GRDP khu vực dịch vụ đạt 22.549 tỷ đồng, tăng 10,05%. Đặc biệt, doanh thu du lịch đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm trước; toàn tỉnh đón trên 8,7 triệu lượt du khách, tăng 30% so với năm 2023, vượt 16% kế hoạch năm… Những con số về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 là sự phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, linh hoạt, sâu sát của các sở, ngành, địa phương; tinh thần đoàn kết “trên dưới một lòng” của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; làm tốt công tác dự báo, thường xuyên cập nhật các kịch bản tăng trưởng; tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh… Trong năm 2024, tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện cơ bản một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và dài hạn.Sau 10 năm được vinh danh, Di sản Tràng An trở thành một trong những hình mẫu tiêu biểu nhất thế giới về kết hợp giữa bảo tổn và phát triển kinh tế-xã hội

Một góc Quần thể Danh thắng Tràng An. Ảnh: Trường Huy

Một góc Quần thể Danh thắng Tràng An. Ảnh: Trường Huy

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Sau 10 năm, với sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm, cách làm bài bản, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Quần thể danh thắng Tràng An được đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đồng thời trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972. Bên cạnh ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, sự trân trọng bảo tồn, phát huy Di sản Tràng An còn là nhịp cầu gắn kết văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới vì mục tiêu và khát vọng hòa bình, tinh thần nhân văn cao cả. Tại chương trình Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định: Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, làm tròn trọng trách thay mặt Nhân dân cả nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy tài sản vô giá của dân tộc và nhân loại đối với Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An.Chủ động ứng phó với bão, lũ lịch sử, đặt tính mạng, an toàn, sức khỏa của người dân lên trên hết

Tháng 9/2024, Ninh Bình đối mặt với đỉnh lũ lịch sử, nhưng với sự chỉ đạo ứng phó kịp thời, sâu sát của Trung ương, của tỉnh, các thiệt hại đã được giảm tới mức thấp nhất. Ảnh: Ngọc Linh

Tháng 9/2024, Ninh Bình đối mặt với đỉnh lũ lịch sử, nhưng với sự chỉ đạo ứng phó kịp thời, sâu sát của Trung ương, của tỉnh, các thiệt hại đã được giảm tới mức thấp nhất. Ảnh: Ngọc Linh

Những ngày đầu tháng 9/2024, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đã xuất hiện đỉnh lũ trên sông Hoàng Long đạt trên báo động 3; trên sông Đáy trên báo động 3, vượt mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,20m. Trung ương và tỉnh đã có sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế nhằm ứng phó với những diễn biến do mưa lũ gây ra. Theo đó, tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, các công điện và 1 lệnh di dân vùng phân lũ, chậm lũ. Tổ chức các đoàn kiểm tra và phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy bám sát địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, lũ... Trong đó yêu cầu tiên quyết là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết. Nhờ đó, các thiệt hại đã được giảm tới mức thấp nhất, Ninh Bình không có thiệt hại về người, tất cả các hộ dân tại khu vực nguy cơ ảnh hưởng được di dời đến nơi an toàn. Tỉnh cũng huy động tối đa nguồn lực chăm lo tốt đời sống, không để Nhân dân thiếu thực phẩm, thiếu nước uống, thiếu thuốc chữa bệnh. Hệ thống đê điều, trạm bơm, thông tin liên lạc của tỉnh vận hành an toàn, liên tục, đảm bảo chống lũ, tiêu úng, cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân... Thực tiễn công tác ứng phó với bão, lũ trong năm vừa qua tiếp tục khẳng định năng lực phòng, chống thiên tai của tỉnh với hệ thống chỉ huy thống nhất, các lực lượng hoạt động hiệu quả, người dân có ý thức cao trong phòng, chống thiên tai.Kỷ niệm 55 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm Người về thăm Ninh Bình

Chương trình nghệ thuật tại Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình. Ảnh: PV

Chương trình nghệ thuật tại Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình. Ảnh: PV

Ngày 16/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trọng thể tổ chức Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 65 năm Người về thăm Ninh Bình (1959-2024). Khắc ghi tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc và những lời căn dặn khi Bác về thăm Ninh Bình, 65 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên. Đặc biệt, sự đồng thuận xã hội, niềm tin của Nhân dân, mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc. Chương trình kỷ niệm là dịp để ôn lại chặng đường đã qua, tự hào báo công với Bác về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã giành được. Đặc biệt, thông qua chương trình kỷ niệm cũng khơi dậy niềm tự hào, lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Ninh Bình cùng khắc sâu những lời dạy của Bác, gợi mở những suy nghĩ và cùng hành động, chung tay hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng.Chủ trương nhất quán, tư duy sáng tạo trong công tác phát triển Đảng

Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đợt sinh hoạt chính trị "Sáng mãi niềm tin theo Đảng" tại Công ty TNHH May Nienhsing Ninh Bình. Ảnh: PV

Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đợt sinh hoạt chính trị "Sáng mãi niềm tin theo Đảng" tại Công ty TNHH May Nienhsing Ninh Bình. Ảnh: PV

Năm 2024, với tinh thần chủ động, quyết liệt, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, các cấp ủy, tổ chức đảng của tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, tạo tiền đề tiến tới đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo với những sáng tạo, đổi mới trong cách thức triển khai, phù hợp với điều kiện thực tế. Năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập được 10 tổ chức đảng, 23 công đoàn cơ sở và 12 tổ chức Đoàn, Hội tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Năm 2024, toàn tỉnh đã kết nạp mới 2.822 đảng viên, vượt 25% kế hoạch, nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh hiện nay là 76.333 đảng viên. Kiên định mục tiêu nâng cao chất lượng đảng viên và đẩy mạnh việc kết nạp đảng viên làm nền tảng, động lực tăng cường sức mạnh của tổ chức Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng triển khai nhiều giải pháp có tính khả thi cao trong công tác phát triển đảng, đảm bảo số lượng đi cùng chất lượng. Đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên. Xây dựng kế hoạch, khảo sát nguồn và giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cụ thể cho các tổ chức đảng ngay từ đầu năm; làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên, quan tâm nguồn kết nạp đảng trong công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân lao động…Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt kết quả nổi bật

Nông thôn mới tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Vũ Đức Phương

Nông thôn mới tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Vũ Đức Phương

Mục tiêu trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025 đang dần hiện hữu khi tỉnh tập trung hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024. Cũng trong năm qua, Yên Khánh là huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và là một trong 6 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Yên Mô đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 24 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt mục tiêu đề ra. Những kết quả toàn diện trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu không chỉ tạo diện mạo mới, sức sống mới theo hướng văn minh, hiện đại cho các làng quê, mà còn tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.Khẳng định năng lực và cam kết mạnh mẽ của Ninh Bình trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế

Festival Ninh Bình 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản” được đánh giá trở thành tâm điểm trên bình diện văn hóa quốc gia, với chuỗi các hoạt động ấn tượng, nhiều màu sắc… Ảnh: Ngọc Linh

Festival Ninh Bình 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản” được đánh giá trở thành tâm điểm trên bình diện văn hóa quốc gia, với chuỗi các hoạt động ấn tượng, nhiều màu sắc… Ảnh: Ngọc Linh

Với nhiều thế mạnh sẵn có, cùng sự đầu tư về thiết chế văn hóa hiện đại và cơ chế, chính sách phù hợp, năm 2024, Ninh Bình tiếp tục trở thành “điểm hẹn” của nhiều sự kiện văn hóa, hội thảo khoa học tầm quốc gia, quốc tế. Qua đó các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa, từng bước chuyển thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển. Nổi bật là tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa Lư năm 2024 gắn với Kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế; chuỗi sự kiện Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; các hoạt động Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An”; Festival Ninh Bình 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản”… Thành công của chuỗi sự kiện này tiếp tục khẳng định năng lực và cam kết mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm tổ chức sự kiện, công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.Giáo dục Ninh Bình giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc

Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh Ninh Bình tham gia dự thi đoạt giải là 86,6%, xếp thứ 6 toàn quốc.

Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh Ninh Bình tham gia dự thi đoạt giải là 86,6%, xếp thứ 6 toàn quốc.

Năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo Ninh Bình đã gặt hái nhiều thành công, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT, tỷ lệ học sinh Ninh Bình tham gia dự thi đoạt giải là 86,6%, xếp thứ 6 toàn quốc-kết quả cao nhất từ trước tới nay về cả chất lượng và tỷ lệ đoạt giải. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,95%, điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh tỉnh Ninh Bình xếp thứ 2 toàn quốc, có 1 học sinh là thủ khoa "kép" toàn quốc. Đây là năm thứ 8 liên tục tỉnh Ninh Bình có điểm trung bình tất cả các bài thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp đầu toàn quốc. Cùng với đó, quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học ngày càng phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ nhà giáo được chăm lo, phát triển cả về chất lượng và số lượng… Kết quả đạt được là động lực để ngành Giáo dục-Đào tạo Ninh Bình tiếp tục có những bước tiến mới, trước mắt là hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2024-2025: Kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận mới, nâng mức độ chuẩn cho 12 trường học đạt chuẩn Quốc gia; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 92,4%; thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT có ít nhất 65% học sinh dự thi đạt giải; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025-năm đầu tiên đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018...

(Các sự kiện, dấu ấn do Báo Ninh Bình chọn)

NBO

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/10-su-kien-dau-an-noi-bat-cua-tinh-ninh-binh-nam-2024-640125.htm
Zalo