Năm 2025, Trung Đông chưa bình yên
Những căng thẳng chưa có hồi kết tại khu vực Trung Đông trong những ngày cuối năm 2024 khiến giới quan sát lo ngại xung đột ở khu vực này có nguy cơ gia tăng trong năm 2025.
Cuộc đấu của các lực lượng dân quân
Hãng Reuters đưa tin, tại cuộc họp báo ngày 19-12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, các cuộc không kích của Israel vào Syria là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này và “phải chấm dứt ngay lập tức”.
Theo Báo The Straits Times, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống al-Assad mở ra cánh cửa cho một vòng đấu mới của cuộc chơi quyền lực ở Trung Đông. Đầu tiên sẽ là trận chiến của các lực lượng dân quân. Lực lượng dân quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang đang nắm thế thượng phong ở thủ đô Syria. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thời gian đầu. Hàng ngàn chiến binh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trước đây và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác bị chính quyền cựu Tổng thống al-Assad giam giữ hiện đã được trả tự do khỏi các nhà tù của Syria. Mỹ đã tiến hành không kích các trại của IS chính là vì lo ngại về nguy cơ trỗi dậy này. Ngoài ra, còn nhiều lực lượng dân quân khác ở Syria - bao gồm Lực lượng Dân chủ Syria, một nhóm do người Kurd lãnh đạo được Mỹ hậu thuẫn - những người có khả năng đảm bảo rằng sự trỗi dậy nắm quyền của HTS sẽ gặp phải thách thức
Các nhân tố ngoài Syria
Báo The Straits Times nhận định, cả Nga và Iran không dễ dàng bỏ rơi Syria và nếu có thể, sẽ giành lại ảnh hưởng của mình. Đối với Moscow, việc duy trì 2 căn cứ quân sự - một hải quân, một không quân - trên lãnh thổ Syria là điều cần thiết. Đối với Iran, việc khôi phục ảnh hưởng của họ bên trong Syria là một bước thiết yếu trong chiến lược xây dựng lại các lực lượng dân quân ủy nhiệm mà họ muốn triển khai trên khắp Trung Đông để đối đầu với Israel và Mỹ.
Sự sụp đổ của chế độ al-Assad còn tạo động lực cho một diễn biến quan trọng khác trong khu vực: cuộc đua trở thành cường quốc hạt nhân của Iran. Như cộng đồng tình báo Mỹ tuyên bố trong một báo cáo được công bố ngày 5-12, Iran đã “thực hiện các hoạt động” nhằm “tạo vị thế tốt hơn” để sản xuất vũ khí hạt nhân. Có một lý do đơn giản cho sự cấp bách này: Khi Iran chứng kiến các lực lượng ủy nhiệm của mình bị Israel đánh bại và vị thế chủ chốt của mình ở Syria sụp đổ chỉ trong vài tuần, các nhà lãnh đạo Iran rất có thể đã kết luận rằng hy vọng duy nhất của họ về an ninh lâu dài là trở thành một cường quốc hạt nhân hoàn chỉnh. Nhiều chính trị gia Iran đã công khai đưa ra những lập luận như vậy.
Ngoài ra, Thủ tướng Libya Abdulhamid Dbeibah cũng bày tỏ lo ngại quốc gia Bắc Phi này có thể trở thành chiến trường, sau các báo cáo về việc Nga chuyển vũ khí từ Syria sang Libya sau khi chính quyền cựu Tổng thống al-Assad sụp đổ.
Vậy nên, theo Báo The Straits Times, với những bất ngờ mới nhất từ Syria, tình hình Trung Đông trong năm 2025 vẫn rất khó lường.