Các kịch bản có thể định hình khu vực Trung Đông

Tương lai của Trung Đông dường như đang chuẩn bị cho sự chuyển đổi sâu sắc, hoàn toàn khác so với trước khi các nhóm Hồi giáo cực đoan nắm quyền kiểm soát Syria.

Các thành viên thuộc các nhóm vũ trang tiến về miền bắc Syria ngày 6/12/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Các thành viên thuộc các nhóm vũ trang tiến về miền bắc Syria ngày 6/12/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang định hướng các động lực đang tiến triển ở Trung Đông, một số nước đã nhanh chóng tìm cách thiết lập mối quan hệ với Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm đứng đầu lực lượng đang nắm quyền tạm thời tại Syria. Tuy nhiên, sự hoài nghi vẫn còn lan rộng, phần lớn là do lịch sử cực đoan sâu sắc của các nhóm vũ trang này, có thể dẫn đến một số kịch bản định hình khu vực Trung Đông trong tương lai gần.

Kịch bản đầu tiên là Syria sẽ rơi vào cuộc nội chiến toàn diện, một trong những cuộc nội chiến khốc liệt nhất mà khu vực Trung Đông có thể trải qua. Kịch bản này khả thi trong bối cảnh sự hiện diện của các nhóm vũ trang có lợi ích cạnh tranh trong chính lãnh thổ Syria. Ngoài ra, Syria là nơi sinh sống của nhiều nhóm thiểu số, bao gồm người theo dòng Shiite, Alawite và Druze, trong đó người Druze ở Suwayda chiếm một phần đáng kể trong dân số Syria và nổi tiếng với thái độ phản đối các phe phái vũ trang hiện đang lãnh đạo Syria.

Một kịch bản khác là khi xung đột lợi ích của các cường quốc, Syria có nguy cơ bị chia cắt thành các quốc gia nhỏ hơn và bất ổn, gây ra mối đe dọa đáng kể không chỉ đối với khu vực mà còn đối với sự ổn định toàn cầu. Có thể kể tới xung đột giữa sự hiện diện quân sự của Nga và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với quá trình ra quyết định của Syria. Bên cạnh đó, lợi ích của những bên chủ chốt khác, như Israel, nước đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Syria trong nỗ lực bảo đảm chỗ đứng lâu dài để chống lại các mối đe dọa an ninh tiềm tàng do các phe phái vũ trang gây ra. Trong khi đó, Mỹ - nước cũng đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông, đang tập trung nỗ lực vào việc hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn với việc một số quốc gia Arập có lập trường coi các phe phái vũ trang hiện đang lãnh đạo Syria là mối đe dọa trực tiếp. Các nước này cũng duy trì nhiều lợi ích và mối quan hệ khác nhau - cả về ngoại giao và quân sự - với 4 cường quốc thống trị ở Syria. Do vậy, kịch bản này có thể thành hiện thực nếu một trong những bên này tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình hoặc từ bỏ các cam kết đã đưa ra với những bên khác, từ đó làm leo thang căng thẳng hơn nữa.

Kịch bản cuối cùng có thể là lãnh đạo mới của Syria, thủ lĩnh HTS Ahmed Al-Sharaa tích cực phản đối ý định và chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ở Syria. Kết quả này có thể trở thành hiện thực nếu lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ xung đột với lợi ích của Mỹ, đặc biệt là liên quan đến vấn đề người Kurd. Nếu kịch bản này thành hiện thực, tương lai của người dân Syria có thể sẽ trở nên ảm đạm trước khi được bắt đầu. Một chính phủ mới ở Syria do ông Al-Sharaa lãnh đạo có thể sẽ tập trung vào việc củng cố quyền lực và duy trì quyền kiểm soát. Kết quả này có vẻ rất hợp lý nếu xét đến đặc điểm của ban lãnh đạo mới và hoàn cảnh xung quanh dẫn tới sự trỗi dậy nắm quyền của các lực lượng này ở Syria.

Dựa trên các kịch bản hiện tại và các yếu tố mới nổi, tương lai của Trung Đông dường như đang chuẩn bị cho sự chuyển đổi sâu sắc, hoàn toàn khác so với trước khi các nhóm Hồi giáo cực đoan nắm quyền kiểm soát Syria. Syria không còn là một quốc gia thống nhất với tương lai chiến lược bền vững và khó có thể trở lại trạng thái trước đây, ngay cả khi các cường quốc toàn cầu rút các lợi ích cạnh tranh của mình khỏi khu vực.

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-kich-ban-co-the-dinh-hinh-khu-vuc-trung-dong-20250108154408818.htm
Zalo