Năm 2025, thêm nhiều trường đại học mở ngành vi mạch bán dẫn
Mùa tuyển sinh năm 2025 tiếp tục có thêm nhiều trường đại học dự kiến mở ngành mới liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025 với 3 phương thức tuyển sinh, bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT so với năm 2024.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực. Trong đó, có 5 ngành mới, gồm: Công nghệ sinh học; Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật); Lịch sử; Xã hội học; Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
![Dự kiến chỉ tiêu ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật) năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_113_51419234/a790375c0e12e74cbe03.jpg)
Dự kiến chỉ tiêu ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật) năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường).
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố danh sách ngành (chương trình đào tạo) cùng chỉ tiêu dự kiến trong kỳ tuyển sinh năm 2025. Trong đó, 3/4 ngành mới có mặt trong danh sách là: Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch; Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử); Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu). Ngoài ra, trường cũng mở ngành Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học) trong mùa tuyển sinh năm nay.
Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn và dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho năm học 2025-2026.
Trước nhu cầu cao về nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn, sau thời gian dài hợp tác nghiên cứu đào tạo hệ thạc sỹ, từ năm 2025, trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ hợp tác với Đại học Yang Ming Chiao, Đài Loan (Trung Quốc) đào tạo hệ cử nhân ngành Công nghệ bán dẫn.
![Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_113_51419234/6bc5f909c04729197056.jpg)
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.
Trước đó, ghi nhận tại mùa tuyển sinh năm 2024, trong đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học có dự kiến mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua, Bộ GDĐT, các trường đại học đã chủ động vào cuộc, tích cực triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Từ giữa năm 2024, đã tuyển sinh, bắt đầu đào tạo khoảng 18.000 sinh viên cho ngành này và kế hoạch năm sau có thể tuyển sinh, đào tạo nhiều hơn nữa. Bộ GDĐT cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn để hoàn thành trong quý I năm 2025 như kế hoạch được giao.
Tuy nhiên việc đào tạo nhân lực lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Một vấn đề nóng hiện nay là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường đại học. Tuyển sinh rồi nhưng chưa có trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Đề án được duyệt nhưng không thể mua ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đào tạo 2-3 năm mà chưa có phòng thí nghiệm là vấn đề đáng lo.
Về đào tạo nhân lực công nghệ cao, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần phải nhìn nhận thực tế tại các cơ sở giáo dục đại học đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại không theo kịp những công nghệ tiên tiến trên thế giới...
Đặc biệt những năm gần đây, do sự bùng nổ của nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và tự chủ đại học, nguồn thu của nhà trường chủ yếu dựa vào học phí. Điều này, dẫn đến rất nhiều trường, trong đó có nhiều trường ngoài công lập tham gia đào tạo các lĩnh vực công nghệ cao trong khi không đủ đội ngũ giảng viên giỏi, đầu vào tuyển sinh các ngành công nghệ cao ở nhiều trường chất lượng còn thấp.
Vì vậy, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới cần phải xây dựng và đầu tư, bao gồm: đầu tư cho đội ngũ giảng viên, học bổng cho sinh viên đại học và sau đại học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao ưu tiên trọng điểm cả ở bậc đại học và sau đại học. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa: Nhà nước, nhà trường - nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Bộ GDĐT cho biết, trong năm 2025, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.