Năm 2025: Nhiều quy định mới để nâng cao hiệu quả quản lý thuế

Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các biện pháp hiệu quả hơn trong quản lý thuế, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp, hộ cá nhân và người dân thực hiện đúng quyền của mình liên quan đến thuế và đảm bảo nộp thuế cho Nhà nước.

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, góp phần chống thất thu ngân sách. Ảnh tư liệu

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, góp phần chống thất thu ngân sách. Ảnh tư liệu

Tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Sáng 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua.

Cụ thể là các luật: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dữ liệu; Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15).

Khẩn trương hướng dẫn để Luật sớm vào cuộc sống

Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Để đảm bảo các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn tạo các văn bản quy định chi tiết Luật.

Giới thiệu về những điểm mới của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật được xây dựng và ban hành lần này nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Mục đích nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Đồng thời, Luật đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính ổn định của chính sách; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.

Luật Thuế GTGT (sửa đổi) còn nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật này thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Thuế GTGT gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Ngoài những nội dung kế thừa quy định Luật hiện hành, luật có những quy định mới về: người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế GTGT, giá tính thuế, thuế suất,…

Sửa luật tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Về Luật số 56/2024/QH15, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật còn mâu thuẫn, gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.

Liên quan đến lĩnh vực thuế, Luật sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật Quản lý thuế. Cụ thể, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Cụ thể, như các quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; nguyên tắc quản lý thuế; mức tiền phải trả lãi, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế. Cụ thể, bao gồm: quy định về nguyên tắc khai thuế, khai bổ sung hồ sơ khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; sửa đổi, bổ sung quy định về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong công tác quản lý thuế, Luật đã sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số.

Để đảm bảo các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Tài chính đang phối hợp xây dựng và ban hành Kế hoạch thi hành Luật; tổ chức xây dựng để ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật.

Sẽ dừng miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Liên quan đến việc chấm dứt hiệu lực Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, tại cuộc họp báo, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan; xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Ngày 12/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định về việc bãi bỏ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính. Hiện tại Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn tất thủ tục theo đúng trình tự, thủ tục, từ đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hủy bỏ quyết định này.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, khi Quyết định 78/2010/QĐ-TTg được bãi bỏ, sẽ không áp dụng miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để đồng bộ với Luật Thuế GTGT. Riêng chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị nhỏ vẫn được áp dụng theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đã thông tin về quy định ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Theo quy định hiện hành trước khi Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực, cá nhân, hộ gia đình có nợ thuế quá hạn trên 90 ngày thì bị tạm hoãn xuất cảnh. Trước khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản đôn đốc nộp thuế; áp dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản. Cơ quan quản lý thuế cũng sẽ thông báo cho các hộ, cá nhân trước rồi mới cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh.

Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Luật số 56/2024/QH15 giao nội dung này cho Chính phủ hướng dẫn. Tại dự thảo nghị định chuẩn bị trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng tiền nợ thuế là trên 50 triệu đồng và nâng thời gian từ 90 lên 120 ngày mới bị tạm hoãn xuất cảnh.

“Hiện nay, cá nhân, số hộ kinh doanh nợ thuế trên 50 triệu đồng là khoảng 81.000 hộ và cá nhân. Chúng tôi thấy với mức đang dự kiến trình Chính phủ là phù hợp”, ông Hoàng Thái Sơn cho hay. Cũng tương tự như luật hiện hành, trong thời gian 120 ngày, cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện các bước như luật định, rồi mới tiến hành cưỡng chế.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2025-nhieu-quy-dinh-moi-de-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thue-166892-166892.html
Zalo