Giảm thủ tục, tăng thuận lợi cho người nộp thuế
31% DN được khảo sát gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế; nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, mất thời gian và tốn kém chi phí cho DN. Thực tế này đòi hỏi ngành Thuế phải đẩy mạnh cải cách, số hóa, đáp ứng yêu cầu quản lý trong nền kinh tế số.
Nhiều thủ tục thuế rườm rà, phức tạp
Gửi thắc mắc trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, công dân Nguyễn Thị Huyền Trinh (mã kiến nghị PAKN 20240820.0288) cho biết, đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại cho Cục thuế DN lớn nhưng đều không được kết nối vì điện thoại luôn trong tình trạng báo bận và chuyển hướng ngắt cuộc gọi. Trước đó, chị Trinh đã gửi 3 đơn kiến nghị yêu cầu hoàn thuế thu nhập cá nhân đến Bộ Tài chính nhờ xử lý hồ sơ. Theo chị Trinh, mặc dù quá hẹn hoàn thuế nhiều tháng, nhưng không nhận được kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế. “Không biết công dân phải chờ bao lâu nữa và kiến nghị thêm bao nhiêu lần nữa thì cơ quan thuế mới giải quyết” – chị Trinh bức xúc.
Cũng gặp vướng mắc liên quan tới thủ tục thuế, tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024, Kế toán trưởng Công ty Bambo Air Way Trịnh Thị Thu Phương phản ánh những khó khăn về thực hiện hóa đơn điện tử. Cụ thể, Bambo Air Way mỗi ngày xuất ít nhất 300 hóa đơn, thậm chí có ngày lên 600 hóa đơn, nhưng trên hệ thống hóa đơn điện tử việc kiểm tra dữ liệu của hóa đơn thì không hiển thị toàn bộ. Trong khi đó, nếu kiểm tra từ hóa đơn vẫn có, như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc đối chiếu dữ liệu giữa DN và cơ quan thuế.
Trong khảo sát môi trường kinh doanh do Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành trong năm 2024 cho thấy, vẫn có tới 31% DN gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Cụ thể, vẫn còn sự rườm rà trong thủ tục hành chính thuế: quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho DN; sự không đồng nhất trong áp dụng chính sách. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở T.Ư và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho DN. Những thủ tục rườm rà, phức tạp của ngành thuế đang làm tốn thời gian, chi phí cho DN và người dân.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đánh giá, mặc dù ngành Thuế đã có những kết quả cải cách quan trọng trong công tác thuế, thế nhưng VCCI nhận thấy vẫn còn nhiều DN hiện đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ứng dụng công nghệ số ở mức chưa đồng đều. Mặc dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải DN nào, đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi.
Tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành Thuế như, hệ thống chính sách thuế còn những bất cập, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tế, gây ra những khó khăn tỏng quá trình thực hiện. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành Thuế đã được vận hành từ nhiều năm nên cần phải nâng cấp cho phù hợp với thực tế phát triển. Môi trường làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ cán bộ quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, mặc dù số lượng thủ tục hành chính thuế đã được cắt giảm khá nhiều, song trên thực tế vẫn có những thủ tục thuế không thực sự cần thiết. Đặc biệt, các giao dịch trong nền kinh tế số ngành một gia tăng với số lượng lớn, gắn với đó là tốc độ xử lý khối lượng lớn. Nếu tiếp tục duy trì cách thức giao dịch và xử lý thủ tục hành chính thuế truyền thống thì không đáp ứng được nhu cầu giao dịch kinh tế và quản lý thuế. Vì vậy, cần cải cách thủ tục hành chính thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý phù hợp với đặc thù của nền kinh tế số. Trong đó, cần cấp thiết tiếp tục sửa đổi các quy định pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan nhằm cắt giảm và hợp lý hóa thủ tục hành chính thuế.
Đề nghị ngành Thuế đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế, hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ DN trong việc sử dụng các hệ thống này. Chẳng hạn, xây dựng các cổng thông tin thân thiện, tích hợp trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc nhanh chóng và chính xác. Đồng thời cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để DN yên tâm lập kế hoạch dài hạn. – Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng kiến nghị.
Từ góc độ của người trực tiếp tham gia và quản lý quá trình chuyển đổi số, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số ( Bộ TT&TT) Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định, chuyển đổi số hiện nay không chỉ là xu hướng, mà trở thành yêu cầu bắt buộc trong thời đại 4.0. Chuyển đổi số trong ngành Thuế là một phần quan trọng trong chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia, được Chính phủ định hướng nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Năm 2025, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước những diễn biến khó lường, nhiều khó khăn, hơn lúc nào hết, ngành thuế đang phải nỗ lực hết sức để đơn giản hóa thủ tục, tăng cường chống thất thu thuế, tạo thuận lợi thương mại ở mức tối đa, bảo đảm an ninh kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị, trong thời gian tới Tổng cục Thuế phải nỗ lực sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý. Xây dựng ngành Thuế chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành thuế, đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, DN và người dân. “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh đối tượng quản lý của hệ thống thuế ngày càng tăng, bộ máy ngày càng tinh gọn. Do vậy, cần tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ thuế” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.