Doanh nghiệp năng lượng tái tạo 'bứt phá' nhờ Luật Điện lực sửa đổi
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp ngành điện, đặc biệt là nhóm năng lượng tái tạo, kể từ năm 2025.
Động lực cho mảng năng lượng tái tạo
Ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 và thay thế cho Luật Điện lực năm 2024. Sự kiện này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng, giúp củng cố an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy các cơ chế phù hợp cho từng loại nguồn điện và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Một số nội dung quan trọng của Luật Điện lực (sửa đổi) là:
Thứ nhất, luật mới đưa ra một số quy định để giúp đẩy nhanh việc triển khai các dự án điện khẩn cấp, ví dụ như đơn giản hóa thủ tục liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chuyển mục đích sử dụng rừng. Điều này có thể giúp cải thiện an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, luật mới giúp tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống đi qua địa giới hành chính từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Thứ ba, Nhà nước sẽ độc quyền trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Quốc hội đã đồng ý khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (4.000 MW), vốn bị tạm dừng từ năm 2016. Trước những thách thức trong việc triển khai các dự án điện khí LNG và các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện bị hạn chế về trữ lượng lẫn có những tác động môi trường, việc tái khởi động dự án này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ tư, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới (như hydrogen và amoniac) là một trong những chủ đề chính của Luật Điện lực mới, giúp Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong thời gian tới, các cơ chế bổ sung (như cơ chế giá mới) được kỳ vọng sẽ được phê duyệt để hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, Luật Điện lực mới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, đặc biệt là đối với các nhà máy điện khí/LNG, các dự án điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng mới.
Đáng chú ý, vào tháng 11/2024 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương, đề xuất triển khai thí điểm cơ cấu giá điện hai thành phần cho nhóm khách hàng theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) theo Nghị định 80/2024/NĐ-CP.
Khác với giá điện một thành phần, giá điện hai thành phần bổ sung thêm một thành phần giá công suất (tính bằng đồng/kW) bên cạnh thành phần giá điện năng để phản ánh đẩy đủ hơn chi phí đầu tư điện và khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn. Việc triển khai cơ cấu giá mới này có thể giúp EVN hạn chế lỗ trong tương lai, qua đó giúp tất cả nhà máy điện được hưởng lợi gián tiếp.
Gọi tên các cổ phiếu năng lượng tái tạo
Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, những quy định trên sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các công ty hoạt động về năng lượng tái tạo như Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã cổ phiếu REE), Công ty Cổ phần BCG Energy (mã cổ phiếu BGE), và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG).
Đối với Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh, mảng điện hiện là nguồn doanh thu và lợi nhuận chính của doanh nghiệp này. Cơ Điện Lạnh hiện đang sở hữu danh mục dự án năng lượng có tổng công suất lên tới 2.820 MW, bao gồm thủy điện (1.436 MW), nhiệt điện (1.140 MW), và năng lượng tái tạo (244 MW).
Công ty hiện đang định hướng thoái vốn khỏi mảng nhiệt điện, đẩy mạnh phát triển mảng năng lượng tái tạo và thủy điện. Trong đó, Cơ Điện Lạnh đã mua lại dự án nhà máy điện gió Duyên Hải tại tỉnh Trà Vinh với công suất thiết kế 48 MW, tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, và dự kiến khởi công vào quý 2/2025. Đồng thời, công ty đang đề xuất làm thêm 344 MW điện gió ngoài khơi tại tỉnh Trà Vinh.
Bên cạnh đó, Cơ Điện Lạnh cũng đang nghiên cứu triển khai mảng điện rác.
Đối với Công ty Cổ phần BCG Energy, đây là công ty con phụ trách mảng năng lượng của Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG). BCG Energy hiện là doanh nghiệp năng lượng tái tạo có quy mô hàng đầu Việt Nam, đang vận hành các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn với tổng công suất lên tới hơn 560 MW.
Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, BCG Energy đang sở hữu danh mục 08 dự án điện gió với tổng công suất lên đến gần 1 GW được phê duyệt ưu tiên thực hiện tới năm 2030. Hiện công ty này đang đẩy mạnh triển khai nhiều dự án như Điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau nhằm đưa vào khai thác thương mại ngay trong năm 2025.
Ngoài ra, vào tháng 7/2024, BCG Energy đã khởi công dự án nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa với công suất phát điện lên đến 200 MW khi vận hành đầy đủ. Trong Giai đoạn 1, dự án có công suất 60 MW và dự kiến vận hành vào cuối năm 2025. Hiện công ty cũng đang nghiên cứu triển khai thêm các nhà máy điện rác tại Long An, Kiên Giang và các tỉnh thành khác.
BCG Energy hiện đặt mục tiêu nâng tổng công suất phát điện lên mức 2 GW vào năm 2026.
Đối với Tập đoàn Hà Đô, tập đoàn này ghi nhận 61% doanh thu đến từ mảng điện. Tập đoàn Hà Đô hiện có kế hoạch triển khai 07 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 748 MW. Trong đó, khoảng 200 MW đã được đưa vào Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII.
Tháng 4/2024, Tập đoàn Hà Đô đã nhận chứng nhận đầu tư cho nhà máy điện gió Phước Hữu với công suất 50 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng và dự kiến phát điện từ quý 4/2025.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết đang chờ cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ và sẵn sàng triển khai ngay các dự án nếu mức giá năng lượng tái tạo được ban hành ở mức “đủ khả thi”.
Theo định hướng của Luật Điện lực mới nêu trên, các cơ chế bổ sung cho năng lượng tái tạo (như cơ chế giá mới) có thể sẽ khuyến khích Tập đoàn Hà Đô sớm triển khai kế hoạch trên.