Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì và chỉ đạo phiên họp. Cùng dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến-Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Đào Ngọc Dung-Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo
Cùng dự phiên họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Phiên họp được kết nối đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 8.600 điểm cầu.
Tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai, tham dự phiên họp có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Cùng tham gia phiên họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, phải rà soát, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước (kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân); tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Việc thực hiện thành công chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện chương trình với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có công giúp công”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá thực trạng tình hình triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương, nơi nào làm tốt với kinh nghiệm hay, bài học quý, nơi nào làm chưa tốt, phân tích nguyên nhân; làm rõ những khó khăn, vướng mắc (như: xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực, sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024; thủ tục, quy trình thực hiện...); các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, mạnh mẽ để bảo đảm hoàn thành Chương trình trong năm 2025 trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã báo cáo kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước; những khó khăn trong triển khai chương trình. Theo thống kê đến ngày 11-1, cả nước có 58 tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; có 31 địa phương tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Cả nước đã huy động xóa nhà tạm, nhà dột nát được 84.888 căn nhà; trong đó đã khánh thành 48.989 căn nhà, khởi công mới 35.899 căn nhà.
Một số địa phương ứng kinh phí của tỉnh để xây dựng 5.196 căn nhà cho đối tượng người có công với cách mạng. Một số bộ, ngành Trung ương đã phát động phong trào, tiếp nhận kinh phí, hỗ trợ ngày công để chung tay cùng các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nổi bật, Bộ Quốc phòng đã đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà với số tiền trên 460 tỷ đồng cho 5 địa phương: Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn “Nhà đồng đội” và “Nhà Đại đoàn kết”. Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo của 14 tỉnh…
Đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí 1.370 tỷ đồng. Tính đến ngày 2-1-2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận hơn 72 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Một số địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; nhiều địa phương đã đặt mục tiêu hoàn thành chương trình sớm hơn so với mục tiêu chung của cả nước; một số địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện…
Tại phiên họp, các tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lào Cai, Kiên Giang, Bắc Kạn… đã báo cáo tiến độ cũng như những cách làm hay trong triển khai việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các địa phương đã đề xuất, kiến nghị về việc hỗ trợ kinh phí để triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đã báo cáo về công tác hỗ trợ kinh phí, nguồn lực, ngày công để chung tay cùng các địa phương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, góp phần vào những kết quả bước đầu hết sức tích cực và quan trọng. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thực sự chung tay và ủng hộ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp phải phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện trách nhiệm với người nghèo với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của”. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc huy động nguồn lực, ngày công của thanh niên, phụ nữ, công an, bộ đội, dân quân tự vệ, cựu chiến binh. Bám sát tình hình thực tế, đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về đất đai, thủ tục, phân bổ nguồn lực, huy động nguồn lực.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với địa phương, vướng mắc chỗ nào để cùng nhau tháo gỡ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, phát huy tính tự lực, tự cường, tự tin, tự hào để huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, khi phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng từ Trung ương đến địa phương. Đây là một trong những hoạt động, phong trào chào mừng những ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là góp phần tri ân với đồng bào, đồng chí sau 80 năm giành độc lập. Phải đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp và bao trùm. Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có tiền giúp tiền”.
Tăng cường công tác truyền thông, tạo động lực, truyền cảm hứng để mọi người cùng chung tay thực hiện chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định; không được để lợi dụng, trục lợi, lãng phí nguồn lực ủng hộ chương trình. Phải thi đua, biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có cách làm hay, gương điển hình trong triển khai chương trình; kết hợp phê bình, cảnh cáo, kỷ luật, những trường hợp chậm trễ, thờ ơ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Các địa phương phải báo cáo số liệu người có công, người có khó khăn về nhà ở gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 20-1-2025. Chủ động rà soát các vướng mắc của các địa phương, nhất là về nguồn vốn, đất đai, nguồn lực… để có giải pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo Trung ương để đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra. Các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý; cập nhật hàng ngày tiến độ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương và báo cáo về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.