Năm 2025: Kỳ vọng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là năm kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm ngày thống nhất đất nước, đồng thời là thời điểm bản lề để cả nước nhìn lại hành trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời định hướng cho một tương lai đầy khát vọng.
Những thành tựu và hành trang để vươn mình
Nhìn lại những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và đối ngoại. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, khi chúng ta không chỉ là thành viên tích cực trong các tổ chức khu vực và quốc tế mà còn là một đối tác tin cậy của nhiều quốc gia.
Những chính sách đổi mới kinh tế, phát triển bền vững và hội nhập toàn diện đã tạo nền tảng vững chắc để đất nước sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong thời kỳ mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh vào khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, tạo động lực để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng năm 2024, đối với Việt Nam, đây là thời điểm quan trọng trong hành trình về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, công tác đối ngoại của đất nước đã được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, mang lại nhiều kết quả tích cực. Dù môi trường quốc tế biến động không ngừng, Việt Nam vẫn khẳng định vị thế của mình như một "điểm sáng" về hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực. Những thành tựu đối ngoại đạt được từ đầu nhiệm kỳ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn tạo nền tảng vững chắc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của quốc gia.
Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
Tiến tới năm 2025, trong bối cảnh thế giới chuyển động không ngừng, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thịnh vượng, hùng cường. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí vượt khó và khát vọng đổi mới chính là nguồn sức mạnh to lớn để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Các chuyên gia quốc tế đã có nhiều dự báo rất tươi sáng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2025. Theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh), năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực cho Việt Nam. Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể đạt 6,6%, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ. Tương tự, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025.
Tại báo cáo chiến lược năm 2025 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã chỉ ra 6 yếu tố chính định hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay, gồm: Sản xuất tăng tốc và xuất khẩu phát triển; giải ngân vốn đầu tư công; lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu (4,5%); triển vọng phục hồi của Trung Quốc; cân bằng chính sách tiền tệ...
Khát vọng vươn mình và niềm tin vào tương lai
Năm 2025 không chỉ đơn thuần là một mốc thời gian, mà còn là dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây là năm cả nước hân hoan kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và 50 năm thống nhất đất nước, đồng thời cũng là năm cuối cùng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Không chỉ dừng lại ở các mốc lịch sử, năm 2025 còn mang trọng trách mở ra một kỷ nguyên phát triển mới, đưa đất nước bước lên tầm cao mới trong bối cảnh quốc tế đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt. Đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi những quyết sách đột phá, bản lĩnh kiên định và nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị lẫn toàn thể Nhân dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều ưu điểm, lợi thế và tiềm năng đáng kể trên nhiều phương diện. Đầu tiên, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao nhờ có nền kinh tế ổn định và hội nhập sâu rộng, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong khu vực, nhờ vào nền tảng vững chắc và sự ổn định vĩ mô. Với vị trí là một trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ chính sách mở cửa, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cạnh đó, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn ngày càng cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế số. Chính phủ Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, bao gồm các dự án giao thông, năng lượng và đô thị thông minh. Cùng với đó, tiến trình chuyển đổi số đang được đẩy nhanh, từ chính phủ điện tử đến các lĩnh vực kinh tế như tài chính, y tế, giáo dục và thương mại điện tử.
Đồng thời, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về sự ổn định chính trị, môi trường an ninh an toàn và thái độ cởi mở trong hợp tác quốc tế. Vai trò tích cực của Việt Nam trong ASEAN, Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế đã giúp nâng cao uy tín, mở ra cơ hội thiết lập thêm các mối quan hệ chiến lược và kinh tế với các đối tác toàn cầu.
Quan trọng là, người dân Việt Nam nổi bật với ý chí vượt khó, tinh thần đoàn kết và khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh. Tinh thần này chính là động lực nội tại để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với sự tự tin và sức bật mạnh mẽ.
Tất nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mỗi người dân và đặc biệt là sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo, điều hành. Từ việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, đến việc triển khai các chiến lược phát triển bền vững, tất cả đều phải được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả và minh bạch.
Năm 2025, chúng ta không chỉ tự hào nhìn lại chặng đường vẻ vang đã qua, mà còn hướng tới một tương lai đầy hy vọng và quyết tâm. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và khát vọng vươn mình, Việt Nam chắc chắn sẽ ghi dấu ấn mới trên bản đồ thế giới, khẳng định vị thế của một dân tộc kiên cường, sáng tạo và luôn sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới.
Trong bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng. Thủ tướng cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực và cần được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật để thực sự là "đột phá của đột phá", tạo động lực phát triển đất nước với tinh thần "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh"; Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh các dự án trọng điểm; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; Xác định rõ và có cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cả ở tầm chiến lược và sách lược để nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thực sự là quốc sách hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW; Chú trọng phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xã hội; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; Giữ vững độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nhất là truyền thông chính sách.