Hà Nội bước vào đợt ô nhiễm không khí mới

Sau ít ngày chất lượng không khí tương đối tốt nhờ gió mùa tràn xuống, từ hôm nay (12/1), chất lượng không khí ở Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc lại lên ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Đợt ô nhiễm này có thể kéo dài nhiều ngày tới.

Sáng nay, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ô nhiễm ở mức xấu trên toàn bộ các địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình.

Tại Hà Nội, 3 điểm đo tại Đại học Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) và tại công viên Nhân Chính (Thanh Xuân) đều ở ngưỡng xấu.

Mạng lưới quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận kết quả ô nhiễm không khí ở ngưỡng xấu, riêng điểm đo tại Trường Quốc tế Liên hiệp quốc Hà Nội (quận Tây Hồ), ô nhiễm lên ngưỡng tím.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Air Visual ghi nhận mức độ ô nhiễm tại Hà Nội nằm ở vị trí thứ 9 trên tổng số hơn 100 thành phố toàn thế giới sáng nay.

Ứng dụng quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ đánh giá, ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục trong 3 ngày tới với mức ô nhiễm xấu vào buổi sáng, trưa chiều có thể được cải thiện nhưng vẫn ở ngưỡng kém (ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).

Hà Nội dự báo lại ô nhiễm không khí kéo dài.

Hà Nội dự báo lại ô nhiễm không khí kéo dài.

Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu (16-17/1), nhờ ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường, chất lượng không khí Hà Nội và các tỉnh miền Bắc được cải thiện. Tuy nhiên, trong hai ngày cuối tuần (18-19/1), Hà Nội có thể ô nhiễm không khí ở ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Đáng lưu ý, thời gian này, ô nhiễm không khí có thể kéo dài cả ngày, ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, tụ tập ngoài trời.

Miền Bắc đón liên tiếp các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ đầu mùa đông đến nay, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tất cả mọi người, đặc biệt là những người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch.

Tổng hợp từ các nghiên cứu, kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới cho thấy, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58% - 74%) ở Hà Nội. Tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14% - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4% - 18,9%), cuối là nguồn từ hoạt động dân sinh như đốt rác, rơm rạ, vàng mã.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, đòi hỏi tất cả chúng ta, không riêng gì ai không thể chần chừ được nữa, phải quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí. Các bài học trên thế giới đã chứng minh rằng càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.

Ông cho rằng, với mỗi người dân, sự chung tay có thể bắt đầu từ những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, như xe buýt, xe máy, ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy lối sống xanh như trồng cây, hạn chế hút thuốc, không đốt rác, đốt rơm rạ, hạn chế đốt vàng mã.

Các chuyên gia cho rằng, cần triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng không khí, trong đó trọng tâm là kiểm soát các nguồn thải lớn từ giao thông, xây dựng, cơ sở sản xuất và hoạt động dân sinh. Cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc.

Bên cạnh đó, cần cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng do ô nhiễm diễn ra ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, không chỉ riêng Hà Nội.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-buoc-vao-dot-o-nhiem-khong-khi-moi-post1708887.tpo
Zalo