Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đón nhận 9,6 tỷ USD kiều hối
Năm 2024, lượng kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh đạt kỷ lục với khoảng 9,6 tỷ USD, tăng 140 triệu USD so với năm 2023, chiếm hơn 50% cả nước.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, 3 năm trở lại đây, TP. Hồ Chí Minh luôn là địa phương ghi nhận lượng kiều hối đổ về nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Trong đó, 74% dòng tiền về thành phố thông qua các công ty kiều hối, gần 26% được chuyển qua các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 54% và tăng 24% (so với năm trước). Kiều hối từ châu Đại Dương, châu Mỹ tăng lần lượt 20% và hơn 4%. Riêng dòng tiền này từ châu Âu giảm 19%.
Ngoài đóng góp của các đồng bào sinh sống ở nước ngoài, theo lãnh đạo thành phố, lượng kiều hối ghi nhận một phần đến từ hoạt động đối ngoại qua các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Những nguồn lực tài chính này ngoài phục vụ phát triển kinh tế, còn góp phần tạo nguồn lực, mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh.
Xác định nguồn kiều hối có tầm ảnh hưởng rất quan trọng trong phát triển kinh tế, cuối tháng 9/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn đến năm 2030, nhằm có giải pháp định hướng nguồn kiều hối phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đề án cũng đặt mục tiêu dịch chuyển nguồn kiều hối vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản.
Theo các chuyên gia, nguồn lực này cần được sử dụng hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính như trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa. Đây là giải pháp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư...