Nhà đầu tư 'khát' cổ phiếu trong khoảng lặng niêm yết mới

Tiêu chuẩn niêm yết tăng lên, sự thanh lọc về mặt kinh doanh và nhu cầu huy động vốn giảm sâu trong chu kỳ thị trường đi xuống, được cho là những nguyên nhân dẫn đến 'khoảng lặng' của hoạt động niêm yết cổ phiếu mới.

Cổ phiếu VTP, công ty con của Viettel niêm yết hồi tháng 3-2024, nằm trong nhóm cổ phiếu có thị giá tăng trưởng tốt nhất năm. Ảnh: DNCC.

Cổ phiếu VTP, công ty con của Viettel niêm yết hồi tháng 3-2024, nằm trong nhóm cổ phiếu có thị giá tăng trưởng tốt nhất năm. Ảnh: DNCC.

Rời sàn nhiều hơn lên sàn

Năm 2024 ghi nhận tình trạng không mấy tươi sáng trong bức tranh doanh nghiệp niêm yết mới để lên sàn. Ngược lại, câu chuyện rời sàn được nhắc đến nhiều hơn, chủ yếu vì thua lỗ liên tục hoặc lỗ lũy kế vượt qua số vốn điều lệ thực góp.

Có thể điểm danh hai doanh nghiệp có tiếng trên sàn HOSE như Công ty xây dựng Hòa Bình (mã HBC) và Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã HNG) bị hủy niêm yết bắt buộc. Trong tháng 1 này, Công ty Garmex Sài Gòn (mã GMC), doanh nghiệp dệt may lên sàn từ năm 2006, cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do ngừng hoạt động kinh doanh quá một năm.

Thống kê của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) cho biết cuối năm 2024, có 527 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch cuối năm 2024, giảm 114 mã so với năm 2023. Cụ thể, có 393 mã cổ phiếu đang niêm yết (giảm 1), 16 mã chứng chỉ quỹ ETF (tăng 2).

Đáng chú ý là số mã giảm mạnh (115 mã) là ở sản phẩm chứng quyền có đảm bảo. Sản phẩm tài chính này được cung cấp bởi các công ty chứng khoán, thường phục vụ riêng các nhà đầu tư cá nhân hiểu về mức rủi ro cao, cho thấy thị trường đã giảm nhiệt đáng kể.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tình trạng chung ghi nhận là số lượng niêm yết mới giảm dần từ năm 2020 đến nay, số rời sàn nhiều hơn là số lên sàn trong bối cảnh tiêu chuẩn niêm yết ngày càng được nâng cao.

Một nguồn cung khác là hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Theo kế hoạch công bố trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn 58 doanh nghiệp, nhưng nhiều công ty vẫn trễ hẹn lên sàn, trong khi đó SCIC nhiều lần thông báo hủy bỏ cuộc đấu giá vì không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Nhìn chung, xu hướng giảm số lượng doanh nghiệp niêm yết mới đang tiếp tục kéo dài từ năm 2020, đặc biệt sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và sự đi xuống của thị trường vốn với những vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cũng như thao túng giá trên thị trường chứng khoán.

Số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết đang tăng lên một phần cũng do các sàn tăng xử phạt nhiều hơn trước. Điều kiện thị trường chưa phục hồi, doanh nghiệp mới e ngại niêm yết, giảm nhu cầu gọi vốn cũng là những lý do khiến thị trường kém nhiệt hơn. Mặc dù số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng, sự hào hứng với thị trường không đi cùng khi chỉ số VN-Index và thanh khoản có xu hướng đi xuống từ giữa năm 2024 cho đến nay.

“Bức tranh niêm yết hiện nay rơi vào vòng luẩn quẩn. Doanh nghiệp không có động lực niêm yết vì thiếu nhà đầu tư dài hạn, trong khi thị trường không có nhiều hàng hóa mới khiến nhà đầu tư tiếp tục lướt sóng. Đây là một vấn đề cần được giải quyết nếu muốn phát triển thị trường bền vững”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định.

Tăng cung và cải thiện chất lượng

Một hạn chế lớn của thị trường được nhiều chuyên gia, các định chế tài chính nhắc đến nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết, đó là tình trạng mất cân bằng giữa cấu trúc hàng hóa trên thị trường.

Theo thống kê của Vietstock tính đến ngày 8-1, tỷ trọng nhóm ngành tài chính chiếm hơn 35% giá trị vốn hóa của VN-Index, trong đó, riêng nhóm tổ chức tín dụng chiếm hơn 30%, công ty chứng khoán chiếm đến gần 3,5%, số còn lại là doanh nghiệp bảo hiểm.

Thống kê của HOSE cho thấy tính đến cuối năm 2024, trong Top 40 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có đến 17 ngân hàng thương mại, 4 công ty bất động sản, 1 công ty bảo hiểm và 1 công ty chứng khoán. Nhóm ngành tài chính tiếp tục vượt trội trong rổ chỉ số chung của VN-Index.

Sự chênh lệch về cấu trúc tiếp diễn trong năm 2024 khi nhìn vào bức tranh niêm yết mới. Trong số 9 doanh nghiệp được HOSE công bố lên sàn, có đến gần một nửa là các định chế tài chính, gồm ngân hàng Nam Á (chuyển sàn từ UPCoM) và 3 công ty chứng khoán.

“Đây là đặc thù của nền kinh tế Việt Nam khi nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng thay vì từ thị trường vốn. Kết quả là các ngân hàng và công ty chứng khoán không ngừng phình to, trong khi các ngành sản xuất hoặc lĩnh vực khác không có đủ động lực để vươn lên”, ông Minh đánh giá.

Cấu trúc hàng hóa của thị trường chứng khoán vì thế được các chuyên gia kỳ vọng sẽ cần thêm thời gian để có thể thay đổi, vì liên quan đến bức tranh vĩ mô về phục hồi sức cầu. Nếu tăng trưởng trở lại, nhóm ngành sản xuất cơ bản lấy lại đà, từ đó mới thúc đẩy nhu cầu vay vốn, mở rộng quy mô trên thị trường chứng khoán, khi đó bức tranh doanh nghiệp niêm yết mới có thể trở nên tích cực hơn.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần được cải thiện nữa là chất lượng của doanh nghiệp niêm yết. Báo cáo tại Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho thấy chất lượng quản trị công ty niêm yết Việt Nam xếp sau nhiều nước trong khu vực ASEAN, bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia.

Từ góc độ nhà đầu tư, thị trường dường như vẫn thiếu hàng hóa mang tính hấp dẫn và thị trường theo kiểu đi theo xu hướng chung. Chẳng hạn trong xu hướng cổ phiếu công nghệ bật tăng mạnh trên thế giới, số doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này lại rất hiếm. Năm ngoái, thị giá FPT tăng đén 84% giúp nhiều quỹ “ăn đậm”.

Năm 2024 cũng ghi nhận một trường hợp ấn tượng là Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (mã VTP), chuyển sàn từ HNX sang HOSE. Thị giá VTP cuối năm tăng đến 140%, nhưng điểm hạn chế cổ đông nhà nước chiếm phần lớn (riêng Viettel sở hữu trên 60% tính đến quí 2-2024). Tương tự, thị trường cũng “hiếm” hàng mới khi nhìn lại danh mục niêm yết mới trong năm qua gồm Công ty Điện lực Gelex (Mã GEE), thuộc sở hữu của tập đoàn GELEX, hay Công ty Giống bò sữa Mộc Châu (Mã MCM), thuộc Công ty Vinamilk.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-khat-co-phieu-trong-khoang-lang-niem-yet-moi/
Zalo