Nuôi 'vàng' trong ao cua kiếm 200 tỉ/năm

Loài đặc biệt này có giá lên tới vài triệu đồng/con, là đặc sản đắt đỏ được giới nhà giàu cực kỳ ưa chuộng.

Vớt “vàng” trong ao cua

Vốn sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven biển, ông Zheng You Cai - đến từ Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc, từ nhỏ đã có kỹ năng đánh bắt tôm cua thành thạo.

Vào những năm 1990, ông Cai rời làng chài để đến các thành phố lớn kiếm sống. Năm 1995, khi đến Thâm Quyến, ông nhận thấy nhiều người dân địa phương tham gia nuôi thủy sản, đặc biệt là cua xanh. Loài này rất được ưa chuộng trên thị trường, có lợi thế về giá, tiềm năng sinh lời cao.

Ông Cai cũng đã vay mượn tiền từ người thân, bạn bè, thuê một ao lớn và mua gần 200.000 con cua xanh. Sau 4 tháng làm việc chăm chỉ, ông đã được đền đáp bằng một vụ mùa bội thu.

Trong một lần thu hoạch cua xanh, ông bỗng phát hiện ra một con có bụng và chân đều có màu vàng ánh kim. Đây chính là cua bơ - “mỏ vàng” đã giúp ông Cai một bước đổi đời giàu sang.

Lúc bấy giờ, dù chưa biết rõ về loài cua bơ, ông vẫn quyết định đem con cua lạ đi bán ở chợ thủy sản. Kết quả, con cua được bán với giá cao không tưởng, lên đến 280 NDT (945.000đ).

Thấy được giá trị của con cua lạ, ông Cai bắt đầu đào sâu tìm hiểu về chúng và phát hiện ra loài này được gọi là “cua bơ”. Chúng là một loài cua xanh thuộc giống cái.

Thông thường sau khoảng 8-9 lần lột xác, phần lớn cua xanh sẽ trở thành cua gạch. Một số cua cái trong quá trình lột xác, phần mỡ trong cơ thể chúng sẽ phân giải thành lớp dầu mỡ màu vàng ánh kim. Lớp dầu mỡ này sau đó sẽ thẩm thấu vào mọi bộ phận trên cơ thể cua, từ đó hình thành nên “cua bơ”.

Loài cua bơ này từ chân, khớp đều có màu vàng, thậm chí có thể nhìn thấy lớp “mỡ” cua chảy ra. Sau khi hấp, thịt cua bơ chứa mỡ vàng sẽ có hương vị vô cùng độc đáo.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của môi trường sinh sản nên chỉ có thể sinh ra được 10 con cua bơ từ 10.000 con cua xanh cái nên rất hiếm. Vì vậy, cua bơ rất được ưa chuộng trên thị trường và có giá thành đắt đỏ.

Ông Cai cũng nhận thấy ở Thâm Quyến, cua bơ được các thương lái mua và bán lại cho khu vực Macao, Hong Kong với giá cao, việc kinh doanh vô cùng khởi sắc. Vì vậy, ông đã chuyển sang làm nghề thu mua cua bơ.

Cua bơ - loài giá cao nhưng nuôi khó không tưởng

Tuy nhiên điều kiện sinh trưởng của cua bơ vô cùng khắc nghiệt, có thể khiến cua bơ mỡ vàng thành cua mỡ đen. Vì vậy trong thời gian đầu, ông Cai thường xuyên bị khách yêu cầu trả hàng, tình hình kinh doanh vô cùng ảm đạm.

Cũng rất khó để phân biệt cua mỡ đen và cua bơ. Ông Cai thu mua 100 con cua bơ thì sẽ bị lẫn khoảng 1-2 con cua mỡ đen, vừa tổn thất về tiền bạc, vừa mất uy tín với khách hàng. Vì vậy, ông đã quyết định tự mình nuôi cua bơ.

Trước đó, ở làng chài quê ông từng có người thử nuôi cua bơ nhưng chưa thành công. Dù vậy, ông Cai vẫn muốn thử sức một lần. Năm 2000, ông đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm, đầu tư hơn 800.000 NDT (2,7 tỉ đồng) và thuê một ao rộng hơn 200 mẫu tại Bảo An, Thâm Quyến và bắt đầu kế hoạch.

Ông Cai nuôi cua bơ bằng ngao trắng, bất chấp chi phí cao nhưng ông cho rằng, chỉ có nuôi cua bơ bằng nguyên liệu tốt mới có thể tạo ra những lứa cua thật sự chất lượng. Dù vậy, ban đầu, ông chỉ kiếm được 600.000 NDT (hơn 2 tỉ đồng) từ cua bơ bởi số lượng của chúng khá ít.

Không bỏ cuộc, ông Cai thậm chí còn cầm cố nhà cửa để tiếp tục nuôi cua bơ. Vừa nuôi, ông vừa cẩn thận ghi chép lại những đặc tính của loài cua đặc biệt này. Ông phát hiện cua giống có xuất xứ khác nhau sẽ phát triển thành những loại cua bơ khác nhau. Ông cũng tìm ra thói quen của cua bơ - ẩn mình trong vỏ hàu để lấy thịt hàu làm chất dinh dưỡng.

Vào tháng 6/2004, mỗi mẫu ao đã cho thu hoạch hơn 30 con. Năm đó, ông còn áp dụng chính sách “hoàn trả tiền 100% nếu cua không đạt chất lượng” cho khách hàng. Nhờ vậy, ông đã bán được hơn 4.000 con cua, doanh thu vượt mức 1 triệu NDT (3,3 tỉ đồng).

Nhưng lúc này, khó khăn vẫn không ngừng ập tới. Một lần, ông phát hiện gần như toàn bộ số cua giống đã chết. Những con còn sống sót không phát triển thành cua bơ mà biến thành những con cua vỏ rỗng, không có mỡ hoặc không có màu vàng. Những con cua này sẽ chỉ có thể bán được với giá 4-5 NDT 13.000 - 17.000đ)/con.

Sau một thời gian điều tra và dò hỏi kinh nghiệm từ khắp nơi, ông phát hiện chất lượng nước có vấn đề. Độ mặn trong nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh tồn của cua bơ.

Do đó, ông đã tiến hành các thí nghiệm điều chỉnh độ mặn của nước ao sao cho phù hợp với sự phát triển của cua xanh, đồng thời giúp nâng cao sản lượng cua bơ. Tháng 4/2011, sự điều chỉnh này đã giúp sản lượng cua bơ tăng lên gấp 7 lần.

Cua bơ do ông Cai nuôi có thịt đầy đặn, chất lượng cao, cơ sở chăn nuôi cũng có quy mô lớn và sản lượng cao. Đặc biệt, ông Cai còn cam kết sẵn sàng bồi thường tiền nếu cua bơ kém chất lượng. Vì vậy, ông đã ký được hợp đồng cung ứng độc quyền cho một thương lái lớn ở Đông Quan, Quảng Đông.

Ngoài ra, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, ông Cai quyết định nuôi cua bơ toàn mỡ, loại cua này có tỷ lệ mỡ hơn 90%. Hầu hết cua bơ trên thị trường chỉ có hàm lượng mỡ từ 60 đến 70%. Như vậy, giống cua bơ của ông Cai sẽ có giá cao hơn, khoảng 1.500 NDT (5 triệu đồng)/con.

Kể từ năm 2018, món cua bơ nguyên mỡ của ông Cai đã nhận được rất nhiều đánh giá cao trên thị trường. Sau hơn 20 năm nỗ lực, cua bơ của ông đã được bán đi khắp Trung Quốc. Ông cũng xây dựng được cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tại Quảng Châu, Chu Hải. Sản lượng cua bơ của ông Cai cao gấp 5 lần so với những người chăn nuôi cùng ngành. Năm 2020, doanh thu cả năm của ông Cai đạt hơn 60 triệu NDT (hơn 202 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoi-con-lam-chan-khong-long-mo-chay-day-nguoi-ma-kiem-200-ti-nam-20425100119050366.htm
Zalo