Năm 2024, ngành Công Thương gặt hái nhiều thành tựu quan trọng
Năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục tạo đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, hội nhập quốc tế, sản xuất công nghiệp và thương mại.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nói về ngành Công Thương trong năm 2024, sự kiện nào làm ông ấn tượng nhất?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Năm 2024, phát huy kết quả đạt được của những năm trước, ngành Công Thương nước ta tiếp tục cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngành Công Thương tiếp tục gặt hái được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện với 10 sự kiện nổi bật của năm. Trong đó, rất ấn tượng là kỳ tích đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối và các dự án trọng điểm ngành năng lượng với hàng loạt kỷ lục ngoạn mục. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ với vai trò chủ chốt, Bộ Công Thương đã cùng các bên liên quan "biến điều không thể thành có thể", truyền cảm hứng vượt khó, sáng tạo để đưa dự án đường dây 500kV mạch 3 cán đích chỉ sau hơn 6 tháng thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở.
- Vậy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi:Có thể khẳng định, nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và gần đây đã tham gia có trách nhiệm trong nhiều thể chế kinh tế và thương mại quốc tế, được ghi tên trong danh sách các nước có mức tăng trưởng kinh tế cao trên bản đồ thế giới. Việt Nam cũng chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu, vượt qua thách thức của “hàng rào kỹ thuật” thông qua việc chú trọng truy xuất nguồn gốc, giữ được uy tín chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường nhập khẩu “khó tính”.
Vì thế, dù tình hình quốc tế phức tạp, các khó khăn trong nước không ít, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn năm trước. Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp năm nay tăng khoảng 8,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,9% của cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), đóng góp quan trọng vào mức tăng chung, trở thành động lực chính cho tăng trưởng vĩ mô của nền kinh tế.
Theo dự báo, sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều kiện sản xuất công nghiệp ở nước ta tiếp tục gặp thách thức lớn liên quan đến thị trường bất động sản phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp; bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu - đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành Công Thương vẫn tiếp tục gặt hái được những thành quả quan trọng như nói trên, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần cùng cả nước vươn mình bứt phá, khẳng định uy tín và tô đậm hình ảnh một Việt Nam vươn mình ra thế giới.
Cùng với sản xuất công nghiệp, năm nay lĩnh vực thương mại điện tử của nước ta cũng vẫn được duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Bộ cũng chú trọng tư vấn cho Chính phủ kịp thời thể chế hóa và tăng cường quản lý nhà nước đề thúc đẩy phát triển nhanh thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây là hướng đi đúng gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo tiền đề hình thành lực lượng sản xuất mới, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
- Trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, ông đánh giá thế nào khi Luật Điện lực kịp thời được sửa đổi trong thời gian ngắn chưa đầy 1 năm và được Quốc hội thông qua tại một kỳ họp?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) và nhiều chính sách mới gần đây là bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo và tái khởi động các dự án điện hạt nhân ở nước ta nhằm bảo đảm nhu cầu điện năng ngày càng tăng cho các thời kỳ phát triển đất nước. Đây cũng là khâu đột phá về thể chế của ngành Công Thương trong năm 2024, giúp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển lĩnh vực điện lực theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
Bộ Công Thương đã tham mưu và trực tiếp chuẩn bị các văn bản luật và chính sách nói trên cho Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo phương thức rút gọn trong một kỳ họp (lần thứ 8) vừa qua đã đáp ứng được đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2024, 2025 là hai năm cuối của giai đoạn phát triển đất nước 2021 - 2025. Cho nên, kết quả năm 2024 sẽ là tiền đề để nước ta bước vào kỷ nguyên mới để thực hiện "Khát vọng Việt Nam" cán mốc năm 2030 và năm 2045. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà ngành Công Thương tiếp tục phải vượt qua và tôi tin sẽ đạt được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tiếp tục nối "mạch nguồn sống" cho đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.