Mỹ và Ấn Độ: Bước tiến mới trong hợp tác sản xuất chip
Theo tờ SCMP, các chuyên gia cho biết thỏa thuận quan trọng về sản xuất chip sẽ mở đường cho Ấn Độ định hình lại vai trò của mình trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu và tiếp cận công nghệ quân sự tiên tiến.
Trong chuyến thăm Washington gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hoàn tất thỏa thuận thành lập một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại Kolkata. Cơ sở tại thành phố miền đông Ấn Độ này sẽ tập trung vào thiết bị quốc phòng, viễn thông và năng lượng tái tạo, như được nêu chi tiết trong tờ thông tin chung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích coi quan hệ đối tác này là bước tiến đáng kể vào thị trường bán dẫn toàn cầu của Ấn Độ, một mục tiêu mà New Delhi đã theo đuổi kể từ khi lần đầu tiên công bố tham vọng về chip vào năm 2021.
C. Uday Bhaskar, Giám đốc Hội Nghiên cứu Chính sách tại Delhi, cho biết: “Thỏa thuận này có thể được so sánh với thỏa thuận hạt nhân dân sự của Ấn Độ với Hoa Kỳ, trong bối cảnh địa chính trị đã đưa Ấn Độ thoát khỏi tình trạng ngoại lệ của mình”.
Trước hiệp ước mang tính bước ngoặt năm 2005 đó, Ấn Độ chỉ được tiếp cận hạn chế với công nghệ hạt nhân dân sự tiên tiến nhất.
Hiện Ấn Độ đang trên đà gia nhập một nhóm các quốc gia có khả năng sản xuất chất bán dẫn đầu cuối cho các ứng dụng quan trọng, bao gồm hệ thống radar và thiết bị truyền thông công suất lớn.
Thỏa thuận về chất bán dẫn là kết quả quan trọng của sáng kiến Hoa Kỳ-Ấn Độ về Công nghệ quan trọng và mới nổi (ICET), ra đời vào năm 2022 nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chip đến trí tuệ nhân tạo .
Bhaskar gọi sự hợp tác này là "có ý nghĩa" vì quân đội Hoa Kỳ thường hạn chế "chia sẻ công nghệ quân sự nhạy cảm, ngoại trừ với một số ít đồng minh" như Anh và ở mức độ thấp hơn là Nhật Bản .
Trước đây, Ấn Độ đã "nói chuyện với Hoa Kỳ về động cơ máy bay chiến đấu và radar giám sát", ông nói. "Nhưng chế tạo chất bán dẫn là một trò chơi hoàn toàn khác".
Chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong các ứng dụng quân sự, cho phép xử lý dữ liệu nhanh chóng cho các hệ thống radar, thông tin liên lạc, dẫn đường và vũ khí tiên tiến.
Trong khi Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sở hữu năng lực đáng kể, và Trung Quốc đại lục đã phát triển chuyên môn đáng kể trong lĩnh vực này.
Bất chấp tiềm năng của thỏa thuận Mỹ-Ấn Độ này, Bhaskar cảnh báo tác động của nó phụ thuộc vào "cách thực hiện và triển khai".
Năm nay, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt ba đề xuất lớn về cơ sở sản xuất chất bán dẫn và màn hình có tổng giá trị 15,2 tỷ USD, sau một thỏa thuận trước đó với công ty Micron của Hoa Kỳ về một nhà máy lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói tại tiểu bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
Với việc Ấn Độ chi khoảng 25 tỷ USD hàng năm cho việc nhập khẩu chất bán dẫn, chính phủ nước này đã triển khai chương trình khuyến khích trị giá 10 tỷ USD vào năm 2021 nhằm thu hút các nhà sản xuất chip, đề nghị chi trả tới 70% chi phí thiết lập.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, các công ty toàn cầu đang đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Ấn Độ đặt mục tiêu tăng chuỗi giá trị điện tử để tận dụng sự thay đổi này, nhưng tiến độ vẫn chậm, bị cản trở bởi chuyên môn trong nước hạn chế - ngay cả khi nhiều chuyên gia Ấn Độ đóng góp vào những tiến bộ ở nước ngoài.
Các chuyên gia ước tính sản xuất chất bán dẫn có thể mất từ 7 đến 10 năm để tạo ra chip đầu cuối, nhưng các ứng dụng tiềm năng rất rộng, từ điện thoại thông minh đến các hệ thống quân sự tinh vi.
Bhaskar cho biết liệu Ấn Độ có thành công trong lĩnh vực bán dẫn hay không sẽ phụ thuộc vào thiện chí cam kết thời gian, tiền bạc và nguồn lực của nước này.
Kiểm tra sức bền
Bhaskar cho biết: "Đây là một thị trường biến động, và bạn cần sức bền, điều mà các công ty Ấn Độ chưa thể hiện được cho đến nay". Tuy nhiên, ông cho biết lực lượng lao động đông, có trình độ của Ấn Độ có thể là một tài sản quan trọng trong sự hợp tác này với Hoa Kỳ.
Theo Vivek Mishra, một nhà nghiên cứu an ninh khu vực và là thành viên của tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation, thỏa thuận này báo hiệu sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và có thể mở rộng để bao gồm các đối tác khu vực khác trong nhóm Bộ tứ (Quard) - cụ thể là Australia và Nhật Bản - cũng như sự hợp tác ba bên liên quan đến Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Mishra cho biết sáng kiến sản xuất này dự kiến sẽ có sự tham gia của các công ty tư nhân và nhà nước tại Ấn Độ, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích các công ty tư nhân hợp tác với các đối tác Ấn Độ.
Theo chuyên gia an ninh Manoj Joshi, cũng thuộc Quỹ nghiên cứu Observer, thỏa thuận này có thể được coi là sự phát triển hợp lý của quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Ấn Độ.