Mỹ - Trung sẽ đàm phán 'phá băng' thương mại vào cuối tuần này
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ có cuộc đàm phán với Phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng (Hà Lập Phong) tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này.
Giới phân tích cho rằng, cuộc đàm phán Mỹ - Trung sắp tới có thể là bước đầu tiên hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc thảo luận về các vấn đề thuế quan và thương mại tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Ảnh minh họa: AFP
Tin tức về cuộc đàm phán được Washington công bố vào cuối ngày 6/5 và sau đó được Bắc Kinh xác nhận đã khiến chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ tăng cao hơn, mang lại sự nhẹ nhõm phần nào cho các thị trường đang bị xáo trộn bởi thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Cuộc đàm phán giữa các quan chức tài chính và thương mại hàng đầu Mỹ với Phó thủ tướng Trung Quốc diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng leo thang khiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng vọt lên hơn 100%.
Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Mỹ và Trung Quốc tại cuộc đàm phán sắp tới dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm thuế quan rộng hơn. Các nhóm đàm phán cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm cụ thể, chính sách của Mỹ về quy tắc miễn thuế "de minimis" và danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Tài chính cho biết ông Greer và ông Bessent sẽ cùng nhau đến Geneva vào ngày 8/5 và sẽ gặp Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter để thảo luận về các cuộc đàm phán về thương mại "có đi có lại".
"Tôi cảm thấy đây sẽ là về việc giảm leo thang", Bộ trưởng Bessent bình luận trên Fox News Channel sau thông báo lịch đàm phán thương mại với phía Trung Quốc. "Chúng ta phải giảm leo thang trước khi có thể tiến lên phía trước", tư lệnh ngành tài chính Mỹ khẳng định.
Sau thông báo đàm phán của Mỹ, một phát ngôn viên của Bộ thương mại Trung Quốc đã xác nhận rằng Trung Quốc đã đồng ý gặp các phái viên Mỹ.
"Trên cơ sở cân nhắc đầy đủ các kỳ vọng toàn cầu, lợi ích của Trung Quốc và lời kêu gọi của ngành công nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, Trung Quốc đã quyết định tái hợp tác với Mỹ", tuyên bố của Trung Quốc nêu rõ.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Thượng nghị sĩ Steve Daines gặp Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh vào tháng 3 vừa qua.
Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm cứng rắn khi căng thẳng với Mỹ gia tăng trong vài tuần qua khi tuyên bố sẽ "không bao giờ lùi bước" trước mức thuế quan bổ sung 145% của Tổng thống Trump áp lên hàng hóa nước này.
Các nhà kinh tế dự báo rằng thuế quan của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và hàng chục quốc gia khác có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh. Trong đó, ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cảnh báo tuần trước rằng thuế quan cũng có thể khiến Trung Quốc mất tới 16 triệu việc làm.
Tổng thống Trump và đội ngũ thương mại của ông đã gửi đi những tín hiệu trái chiều về tiến độ đàm phán với các đối tác thương mại lớn đang gấp rút hoàn thiện các thỏa thuận với Washington.
Bộ trưởng Bessent đã nói với các nhà lập pháp rằng chính quyền Tổng thống Trump đang đàm phán với 17 đối tác thương mại lớn, nhưng chưa có Trung Quốc. Washington có thể công bố các thỏa thuận thương mại với một số đối tác trong số đó sớm nhất là trong tuần này.
Tổng thống Trump phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp với Thủ tướng Canada Mark Carney rằng ông và các quan chức chính quyền cấp cao sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại tiềm năng trong hai tuần tới để quyết định chấp nhận thỏa thuận nào.
Bộ trưởng Bessent nói với Fox News rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ xem xét "bàn thảo về điều gì" trong cuộc đàm phán vào ngày 10/5 tới.
Ông Bessent nhấn mạnh: "[mức thuế quan] 145%, 125% tương đương với lệnh cấm vận. Chúng tôi không muốn tách rời. Điều chúng tôi muốn là thương mại công bằng".
Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao của ông đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các đối tác thương mại kể từ khi ông chủ Nhà Trắng công bố mức thuế quan đối ứng 10% đối với hầu hết các quốc gia vào ngày 2/4, cùng với mức thuế cao hơn dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 9/7, trừ các thỏa thuận thương mại riêng biệt.
Tổng thống Trump cũng đã áp mức thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, cùng với mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, và mức thuế 145% đối với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ áp thuế quan đối với dược phẩm trong những tuần tới.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ lên 125%.
"Tôi mong muốn các cuộc đàm phán hiệu quả khi chúng ta nỗ lực tái cân bằng hệ thống kinh tế quốc tế theo hướng phục vụ tốt hơn cho lợi ích của Mỹ", Bộ trưởng Bessent cho biết.
Các động thái của Tổng thống Trump về thuế quan, mà ông cho là nhằm phần nào giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, đến nay đang gây ra tác động ngược.
Dữ liệu mới công bố cho thấy lần đầu tiên sau ba năm, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào tăng trưởng âm trong quý I/2025. Cụ thể, GDP của Mỹ trong quý I/2025 suy giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu điều chỉnh theo mùa và lạm phát được Bộ Thương mại công bố.