Mỹ thay đổi lập trường đối với Nga
Khi nói rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO là 'không thực tế' và việc trả lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát cho Kiev là 'ảo tưởng', Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đồng quan điểm khá nhiều với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hiếm khi có sự thay đổi chính sách nào của Washington với Moscow lại nhanh chóng và quyết liệt như cuộc gọi điện đàm của Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Putin. Cuộc gọi này đã đột ngột chấm dứt nỗ lực kéo dài ba năm do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Nga về vấn đề Ukraine.
Và cuộc chiến ở Ukraine không phải là vấn đề duy nhất mà hai nhà lãnh đạo thảo luận trong cuộc gọi hôm 12/2. Họ đã nói về giải pháp cho Trung Đông, vai trò của đồng USD, thị trường năng lượng toàn cầu và thậm chí cả trí tuệ nhân tạo.

Mỹ thay đổi lập trường đối với Nga sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin. Nguồn: Reuters
Có thể hiểu là Nga và Mỹ ngồi lại để thảo luận về các vấn đề toàn cầu trong khi phần còn lại của thế giới đứng ngoài cuộc.
Hiện vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng cho Ukraine sẽ diễn ra như thế nào, nhưng cuộc điện đàm này đã đánh dấu một bước ngoặt, phá băng quan hệ Moscow và Washington.
Mục tiêu của Tổng thống Nga Putin tại Ukraine
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, trong bối cảnh Kiev đang nỗ lực gia nhập NATO mà ông Putin mô tả là "ranh giới đỏ" đối với Moscow. Ông Putin đã coi việc mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa lớn đối với Nga và tìm kiếm sự đảm bảo của NATO rằng liên minh này sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine. Sự phản kháng của Ukraine và dòng vũ khí của phương Tây đổ vào Kiev đã kéo dài cuộc giao tranh, gây ra thương vong nặng nề cho cả hai bên, trở thành cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Ông Putin yêu cầu Ukraine rút quân khỏi bốn khu vực mà Nga kiểm soát, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và bảo vệ quyền của những người nói tiếng Nga. Ảnh: AP
Nga giành thế chủ động trên chiến trường, mở một loạt các cuộc tấn công trên toàn tuyến đầu dài 1.000 km, tiến chậm nhưng chắc trong suốt năm 2024. Nga kiểm soát khoảng ⅕ lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea.
Tổng thống Putin đã yêu cầu Ukraine rút quân khỏi 4 khu vực mà Nga kiểm soát, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và bảo vệ quyền của những người nói tiếng Nga. Chính phủ Nga đã lặp lại tất cả những điều đó trong các tuyên bố gần đây, tái khẳng định cách tiếp cận tối đa của Moscow.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ các yêu cầu của Moscow, nhưng tình hình chiến trường ảm đạm và những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán, mà trong đó Kiev có khả năng bị buộc phải thỏa hiệp đau đớn.
Ông Trump ra tín hiệu cởi mở với các yêu cầu của Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga Putin là "dài và hiệu quả cao" và cảm ơn Tổng thống Putin "vì đã giành thời gian và công sức để tiếp chuyện với mình", đồng thời nhấn mạnh mong muốn chung của họ là ngừng giao tranh mà không đề cập tới việc Nga đã đưa quân vào Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tín hiệu cởi mở với các yêu cầu của Nga. Ảnh: Getty
Ông Trump cho biết, sau đó ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Zelensky, nhưng ông không cam kết liệu Ukraine có tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình hay không.
Cũng vào ngày 12/2 , Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã phát biểu tại môt cuộc họp với các đồng minh phương Tây của Ukraine rằng, Kiev không nên hy vọng lấy lại toàn bộ lãnh thổ của mình từ Nga và sẽ không được phép gia nhập NATO.
Và trong khi châu Âu yêu cầu được tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về giải pháp cho Ukraine, ông Trump và nhóm của ông đã tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đưa các đồng minh vào cuộc.
Nhiều người ở châu Âu đang sửng sốt trước sự thay đổi chính sách mạnh mẽ này của Washington. "Chắc chắn đây là một cách tiếp cận sáng tạo đối với một cuộc đàm phán vì đưa ra những nhượng bộ rất lớn ngay cả trước khi bắt đầu", cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, đồng chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu đã nói trên nền tảng xã hội X.
Mở rộng chương trình nghị sự giữa Mỹ và Nga
Ông Trump đã đăng trên mạng xã hội rằng, ông và Tổng thống Nga Putin đều "suy ngẫm về lịch sử vĩ đại của các quốc gia chúng ta và thực tế là chúng ta đã chiến đấu rất thành công cùng nhau trong Thế chiến II. Hãy nhớ rằng Nga đã mất hàng chục triệu người và chúng ta cũng mất rất nhiều người!".
Ngược lại, Tổng thống Nga Putin đã ca ngợi ông Trump ngay cả trước cuộc gọi, lặp đi lặp lại tuyên bố của ông Trump rằng, ông sẽ ngăn chặn được các cuộc giao tranh ở Ukraine nếu ông còn tại nhiệm. Ông Putin cho biết, họ “đồng ý hợp tác chặt chẽ, bao gồm cả việc tới thăm các quốc gia của nhau” và nói thêm rằng, họ “có thể” sẽ gặp nhau tại Ả rập Xê út trong tương lai gần.
Ông Trump cho biết, ông đã thảo luận với Tổng thống Nga Putin về nhiều vấn đề toàn cầu, bao gồm: Trung Đông, thị trường năng lượng, đồng USD và AI - phản ánh chương trình nghị sự rộng lớn mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin từ lâu đã hướng tới để giành lại vị thế siêu cường của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.