Mỹ 'thắng đậm' thặng dư dịch vụ trên toàn cầu, song ông Trump lại phớt lờ

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đề cập đến thâm hụt thương mại hàng hóa, nhưng lại bỏ qua thặng dư khổng lồ từ ngành dịch vụ - gồm doanh thu từ phim ảnh, Google, Amazon hay Facebook - nơi Mỹ đang thắng đậm trên toàn cầu.

Theo số liệu năm 2023, Mỹ đã xuất khẩu dịch vụ trị giá hơn 1.000 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2022, và chỉ nhập khẩu khoảng 748 tỷ USD. Nhờ đó, Mỹ đạt thặng dư thương mại dịch vụ lên tới 278 tỷ USD – một xu hướng đã kéo dài suốt hai thập kỷ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nhà Trắng

Các nhà kinh tế cho rằng đây chính là "kho báu" mà ông Trump đang phớt lờ. Dịch vụ hiện chiếm khoảng 70% GDP Mỹ và bao gồm các ngành then chốt như giáo dục, y tế, tài chính, du lịch, giải trí, bảo hiểm, luật, phần mềm và cả phí sử dụng tài sản trí tuệ như bản quyền và sáng chế.

"Ông Trump có thể không biết hoặc cố tình làm ngơ với thặng dư dịch vụ, vì nó không mang lại giá trị tuyên truyền tốt như hình ảnh một nhà máy xe hơi bị đóng cửa", chuyên gia Gary Huffbauer từ Viện Peterson nói. "Ông ấy đang đánh vào tâm lý hoài niệm công nghiệp của tầng lớp lao động – những người tin rằng toàn cầu hóa đã giết chết công việc của họ".

Rachel Ziemba, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, thì nói: "Ông ấy tập trung vào sản xuất vì nó liên quan tới quốc phòng và nền tảng công nghiệp quốc gia. Nhưng thật kỳ lạ khi ông ấy bỏ qua toàn bộ bức tranh, trong đó dịch vụ là thứ Mỹ đang thắng thế".

Huffbauer cảnh báo rằng các nước khác có thể phản ứng bằng cách đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, siết bản quyền và nhãn hiệu, yêu cầu bản địa hóa dữ liệu hoặc thậm chí cấm thanh toán tiền bản quyền. "Chính sách thương mại của ông Trump đang đặt toàn bộ ngành dịch vụ Mỹ – từ công nghệ đến Hollywood – vào thế nguy hiểm", ông nói.

Trong quá khứ, một số quốc gia từng muốn chặn phim Mỹ bằng hạn ngạch chiếu rạp hay hạn chế nội dung ngoại nhập, nhưng đa phần thất bại. Lần này, nếu các nước cảm thấy bị tổn hại vì chính sách của ông Trump, họ hoàn toàn có thể chơi "ăn miếng trả miếng" mạnh tay hơn.

Không chỉ chính phủ, một làn sóng "tẩy chay hàng Mỹ" ngầm đang xuất hiện ở một số nơi, có thể được hợp pháp hóa thành chính sách. Thuế dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu, Ấn Độ hay Úc là ví dụ cho thấy xu hướng bảo hộ không chỉ nằm ở lĩnh vực sản xuất.

Dù vậy, Ziemba lưu ý rằng các đòn trả đũa cũng có thể gây phản tác dụng: "Nếu các nước đánh thuế dịch vụ Mỹ quá nặng, họ sẽ phải trả giá vì chi phí trong nước tăng, trong khi ông Trump có thể phản công mạnh hơn. Đây là ván bài cực kỳ rủi ro".

Ông Trump hiểu rõ rằng những người ủng hộ mình – nhất là ở khu vực công nghiệp – muốn thấy các nhà máy mở cửa trở lại, chứ không quan tâm đến những con số về xuất khẩu dịch vụ. Việc ông liên tục dùng hình ảnh công nhân bị mất việc để thúc đẩy thuế quan là một chiến lược rõ ràng.

Nhưng cái giá của chiến lược đó có thể là mất đi lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà nước Mỹ đang có: khả năng thống trị thế giới trong lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, từ công nghệ đến văn hóa.

Ngọc Ánh (theo AJ, Business Insider)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-thang-dam-thang-du-dich-vu-tren-toan-cau-song-ong-trump-lai-phot-lo-post341552.html
Zalo