Mỹ rút khỏi WHO: Ảnh hưởng các chương trình y tế công cộng toàn cầu

Ngày 24-1, Liên hợp quốc cho biết, Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ ngày 22-1-2026, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo về quyết định trên. Theo một nghị quyết hồi năm 1948 của Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng phải công bố quyết định rút khỏi WHO trước 1 năm.

Kêu gọi lấp đầy khoảng trống tài trợ

Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq xác nhận, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này đã nhận được thông báo của Mỹ đề ngày 22-1-2025 và quyết định của Washington sẽ có hiệu lực sau đúng 1 năm nữa. Hiện Mỹ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho WHO, chiếm khoảng 18% tổng ngân sách của tổ chức này. Ngân sách 2 năm gần đây nhất của WHO cho giai đoạn 2024-2025 là 6,8 tỷ USD.

 Chăm sóc sức khỏe người dân Congo. Ảnh: Africa CDC

Chăm sóc sức khỏe người dân Congo. Ảnh: Africa CDC

Tiến sĩ Madhukar Pai, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Canada về dịch tễ học và sức khỏe toàn cầu, đang có mặt tại trụ sở WHO ở Genève, Thụy Sĩ đánh giá, việc mất đi khoản tài trợ lớn mà Mỹ cung cấp sẽ đe dọa sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, bao gồm cả Canada. Nếu có một đợt bùng phát dịch bệnh lớn, chẳng hạn như cúm gia cầm H5N1 và Mỹ không tham gia vào phản ứng toàn cầu, thì virus sẽ lây lan.

Ông Pai kêu gọi Chính phủ Canada giúp lấp đầy khoảng trống tài trợ, thông qua cả đóng góp tài chính cho WHO cũng như đóng vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Pai cho biết, ông cũng lo ngại về “lời lẽ chống vaccine” mà ông nghe được từ một số người được Tổng thống Donald Trump lựa chọn để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo vào thời điểm các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng trở lại.

Châu Phi thêm khó khăn

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho rằng, việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ gây ảnh hưởng đáng kể cho các chương trình y tế công cộng tại châu lục này. Chánh Văn phòng CDC châu Phi Ngashi Ngongo nhấn mạnh, quyết định của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho châu Phi và các nước thành viên của CDC châu Phi, vì Mỹ là một trong những nước đóng góp chính cho các hoạt động y tế công cộng ở châu lục này.

Hiện CDC châu Phi được nhận gần 10% nguồn tài trợ của Mỹ và nhiều nước trong châu lục đang phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ “Kế hoạch cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Mỹ” (PEPFAR) để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS. Cả Liên minh châu Phi (AU) và WHO cũng lấy làm tiếc về quyết định rút lui của Mỹ, đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét lại quyết định.

WHO hiện là tổ chức y tế lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng. Với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất, Mỹ đã có những đóng góp đáng kể cho các chương trình y tế toàn cầu. Vì vậy, việc nước này rút lui không chỉ làm gián đoạn các sáng kiến y tế mà còn buộc WHO phải tái cấu trúc đáng kể các hoạt động của mình.

VIỆT ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/my-rut-khoi-who-anh-huong-cac-chuong-trinh-y-te-cong-cong-toan-cau-post779459.html
Zalo