Mỹ rút khỏi tổ chức WHO:Định hình lại quản trị y tế toàn cầu

Nước Mỹ rút khỏi tư cách thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã dấy lên lo ngại sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn cho tổ chức này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quyết định này đánh dấu sự thay đổi lớn trong quản trị y tế toàn cầu.

Nhân viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong một chương trình tiêm chủng tại Mogadishu, Somalia.

Nhân viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong một chương trình tiêm chủng tại Mogadishu, Somalia.

Mỹ là một trong 61 thành viên sáng lập của WHO. Ngân sách hoạt động của tổ chức này những năm 2022-2023 là 6,7 tỷ USD, trong đó xứ Cờ hoa đóng góp lớn nhất. Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump đưa ra 3 lý do cho sự rút lui của nước Mỹ là: “Tổ chức này đã xử lý không tốt đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác, không áp dụng các cải cách cấp thiết và không chứng minh được sự độc lập khỏi ảnh hưởng chính trị không phù hợp của các quốc gia thành viên. Mặt khác, WHO tiếp tục yêu cầu Washington thanh toán những khoản tiền quá cao một cách không công bằng, không tương xứng với số tiền mà các quốc gia khác đã thanh toán”.

Với sự rút lui của Washington, WHO phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính đáng kể, đòi hỏi phải cắt giảm chi phí như hạn chế đi lại, đóng băng tuyển dụng và đình chỉ việc mở rộng văn phòng. Thêm nữa, quốc gia này đóng vai trò chủ chốt trong giám sát dịch bệnh toàn cầu, phân phối vắc xin và quản lý khủng hoảng y tế công cộng. Do vậy, dù WHO đang tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế, bao gồm cả việc tăng cường phụ thuộc vào các nhà tài trợ tư nhân như Quỹ Bill & Melinda Gates nhưng vẫn dấy lên lo ngại về các chương trình thực hiện cũng như những giải pháp ưu tiên về sức khỏe toàn cầu. Nguy cơ giảm tính công bằng trong các quy trình ra quyết định của WHO ngày càng rõ rệt hơn, khiến tổ chức này phải cải cách ở nhiều lĩnh vực.

Trên thực tế, những năm gần đây, WHO đã thực hiện nhiều cải cách với không ít thay đổi mang tính lịch sử để các hoạt động trở nên bền vững và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, khoản đóng góp của nhiều quốc gia chỉ chiếm chưa đến 20% ngân sách cốt lõi. Phần lớn khoản tiền này được dành cho các chương trình và dự án cụ thể. Điều này khiến dư luận lo ngại rằng, các ưu tiên chiến lược của WHO đang được định hình bởi nhà tài trợ thay vì nhu cầu y tế toàn cầu.

Vào tháng 5-2024, các quốc gia thành viên đã đồng ý tăng dần các khoản đóng góp hoặc "phí thành viên" bắt đầu từ giai đoạn 2024-2025 để bù đắp phần nào “khoảng trống” do Mỹ để lại. Nhân viên của WHO - Tania Cernuschi đã bắt đầu chiến dịch “một đô la, một thế giới” để huy động 1 tỷ USD từ 1 tỷ người. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã công bố các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm đóng băng việc tuyển dụng và đánh giá lại các chương trình y tế để ưu tiên hoặc thu hẹp quy mô.

Ngoài áp lực tài chính, việc Washington rút lui đã tạo ra khoảng trống lãnh đạo, có khả năng cho phép các quốc gia hoặc liên minh định hình lại các ưu tiên về sức khỏe toàn cầu. Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), đặc biệt là Ấn Độ có thể tận dụng thời điểm này để thúc đẩy cải cách và thiết lập một khuôn khổ y tế đa phương cân bằng hơn. Trung Quốc đã nhanh chóng tái khẳng định cam kết hỗ trợ WHO, đồng thời nhấn mạnh rằng, vai trò của cơ quan toàn cầu này cần được tăng cường chứ không phải làm suy yếu. Ấn Độ với ngành công nghiệp dược phẩm rộng lớn, có thêm cơ hội tham gia sâu vào các sáng kiến y tế đa phương và lấp đầy khoảng trống lãnh đạo mà Mỹ để lại. New Delhi có thể tận dụng cơ hội để tăng cường ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định của WHO…

Trong trường hợp khẩn cấp toàn cầu, WHO đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp ứng phó. Quy định y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia báo cáo những đợt dịch bệnh bùng phát có thể gây quan ngại quốc tế và các thành viên chia sẻ thông tin, mẫu và hướng dẫn kỹ thuật.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận định, cuộc khủng hoảng của WHO do Mỹ rút lui là cơ hội để tổ chức này đánh giá lại các cấu trúc tài trợ và quản trị y tế toàn cầu. Rất có thể 4 năm sau hoặc một thời điểm nào đó trong tương lai, Washington sẽ tái gia nhập WHO. Thay vì để một quốc gia đơn lẻ quyết định quỹ đạo của các nỗ lực y tế toàn cầu, thời điểm này nên thúc đẩy một hệ thống y tế quốc tế kiên cường và công bằng hơn. Sức khỏe toàn cầu không nên phụ thuộc vào nguồn tài trợ hoặc chuyên môn của một hoặc một số ít quốc gia có thu nhập cao mà nó phải thực sự là một liên minh chung của toàn thế giới.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/my-rut-khoi-to-chuc-who-dinh-hinh-lai-quan-tri-y-te-toan-cau-692710.html
Zalo