Mỹ-Nga ngừng trao đổi dữ liệu hạt nhân: Điều gì đang xảy ra?
Nga sẽ ngừng việc đưa ra thông báo về các vụ phóng thử tên lửa mới của nước này với Mỹ như quy định trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Mới (New START), tuyên bố được đưa ra sau khi Washington có động thái tương tự cách đây ít ngày.
Các phương tiện truyền thông Nga ngày 30/3 trích dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov đưa tin, Moscow sẽ dừng mọi hoạt động trao đổi thông tin với Washington theo quy định của New START.
"Tất cả các loại thông báo, hoạt động trong khuôn khổ hiệp ước New START sẽ bị đình chỉ và sẽ không được tiến hành bất kể quan điểm của Mỹ thế nào", ông Sergei Ryabkov cho hay. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể khẳng định tuyên bố của ông Sergei Ryabkov có bao gồm chấm dứt mọi cảnh báo về các vụ thử tên lửa hay chỉ là những cảnh báo được vạch ra trong New START. Cả hai nước đã trao đổi thông báo về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
![Những động thái gần đây của Mỹ và Nga làm dấy lên lo ngại sụp đổ trụ cột kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai bên. Ảnh minh họa AP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2023_03_31_5_45427562/c35401cc7f8196dfcf90.jpg)
Những động thái gần đây của Mỹ và Nga làm dấy lên lo ngại sụp đổ trụ cột kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai bên. Ảnh minh họa AP.
Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng trước vẫn cho biết Moscow sẽ tiếp tục đưa ra cảnh báo theo thỏa thuận năm 1988 giữa Mỹ và Liên Xô lúc bấy giờ. Liên quan đến phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết chính quyền Biden đã biết về những bình luận này nhưng chưa "nhận được bất kỳ thông báo nào cho thấy có sự thay đổi". Ông nói thêm, Washington "quan ngại toàn diện về hành vi của Nga liên quan đến hiệp ước New START".
Thông tin này được đưa ra sau khi Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 28/3 nêu rõ, Mỹ sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân của Washington cho Moscow, nhằm đáp lại việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước New START. Theo ông Kirby, Mỹ cho rằng Nga đã không tuân thủ đầy đủ New START và từ chối chia sẻ dữ liệu mà hai bên đã thống nhất định kỳ mỗi 6 tháng.
Trong thông điệp liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga tạm thời ngưng tham gia hiệp ước New START. Theo ông Putin, Mỹ không tuân thủ các điều khoản đã được ký kết và đang sử dụng chính hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga.
Ông cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và các đồng minh NATO đang nhắm vào Nga, đồng thời quan ngại về dự án phát triển các loại vũ khí mới của phương Tây. Tổng thống Nga yêu cầu Bộ Quốc phòng phải đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm hạt nhân của Nga nếu phía Mỹ tiến hành một hoạt động như vậy.
Ông Putin nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp. Phía Kremlin cũng khẳng định, không tiếp tục tham gia New START với Mỹ cho đến khi Washington lắng nghe quan điểm của Moscow.
Theo quy định trong hiệp ước New START, cùng với dữ liệu về tình trạng hiện tại của lực lượng hạt nhân của các quốc gia được công bố thường xuyên 6 tháng một lần, các bên cũng đã trao đổi những cảnh báo trước về các vụ phóng thử và triển khai vũ khí hạt nhân của họ. Hoạt động trao đổi thông tin và đưa ra thông báo thường xuyên như vậy là một yếu tố thiết yếu của sự ổn định chiến lược trong nhiều thập kỷ, cho phép Nga và Mỹ biết được chính xác các động thái của nhau và đảm bảo rằng không nước nào nhầm lẫn một vụ phóng thử thành một cuộc tấn công tên lửa.
New START hiện là trụ cột duy nhất còn lại trong việc kiểm soát hạt nhân song phương giữa Moscow và Washington. Theo Reuters, Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới, một con số đủ để hủy diệt hành tinh nhiều lần. New START được xây dựng nhằm đặt ra hạn chế đối với số lượng thiết bị hạt nhân Nga và Mỹ triển khai trên thế giới. Chính vì vậy, việc hai nước "ăn miếng trả miếng" trong việc bớt tuân thủ hiệp ước khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự sụp đổ của trụ cột này, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Heather Williams, Giám đốc dự án Các vấn đề Hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết những tuyên bố gần đây của cả Nga và Mỹ đều rất đáng ngại, theo AP. Mối đe dọa lớn nhất từ việc hai bên ngừng tuân thủ New START chính là mất kênh liên lạc quan trọng và những thông điệp "bị hiểu nhầm" có thể dẫn đến những hành động đáp trả, hệ quả thảm khốc.
Được ký kết vào năm 2010 bởi các Tổng thống khi đó là Barack Obama và Dmitry Medvedev, New START dự kiến hết hiệu lực vào năm 2026, hiệp ước yêu cầu hai nước phải hạn chế số vũ khí hạt nhân được triển khai ở mức dưới 1.550 đầu đạn. Bên cạnh đó, cả Washington và Moscow không được triển khai quá 700 tên lửa phóng từ đất liền và tàu ngầm để mang những vũ khí này.
Theo điều khoản "Trao đổi Dữ liệu 2 lần một năm" của hiệp ước, mỗi bên phải cung cấp thông tin về số lượng tên lửa, phương tiện mang phóng và đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Thông tin về số đầu đạn hạt nhân được triển khai theo từng phương tiện trên bộ, trên không và trên biển cũng được cung cấp trong các đợt chia sẻ dữ liệu.
Ngoài ra, các cuộc kiểm tra sẽ được tiến hành thường xuyên nhằm đánh giá sự tuân thủ của mỗi bên. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị đình chỉ từ năm 2020 vì đại dịch COVID-19 và kể từ đó đến nay, hai bên chưa tiến hành cuộc kiểm tra nào.