Tổng thống Zelensky nêu điều kiện 'sẵn sàng' đàm phán hòa bình
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về xung đột Nga Ukraine dưới mọi hình thức với điều kiện Mỹ và châu Âu cung cấp cho Kiev các đảm bảo về an ninh.
Theo Reuters, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ITV News của Anh ngày 9/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ tin tưởng kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine mà còn đảm bảo rằng Nga sẽ không tiếp tục có các hành động tương tự.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Kiev không muốn lặp lại kinh nghiệm về các thỏa thuận hòa bình và các cuộc đàm phán không mang lại kết quả với Moscow trong những năm trước khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022; nhấn mạnh rằng điều đó có nghĩa là cần phải đưa ra các đảm bảo an ninh.
![Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_595_51439039/a4f45232667c8f22d66d.jpg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để đàm phán hòa bình hay không, Tổng thống Zelensky tuyên bố: “Nếu tôi hiểu rằng Mỹ và châu Âu không bỏ rơi chúng tôi, họ sẽ ủng hộ và cung cấp bảo đảm an ninh cho chúng tôi thì tôi sẽ sẵn sàng cho bất kỳ hình thức đàm phán nào”.
“Nếu có sự đảm bảo an ninh, chúng ta có thể nói về sự kết thúc của 'giai đoạn nóng' của cuộc chiến. Bạn phải hiểu rằng chúng ta cần biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào,” ông Zelensky giải thích.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Zelensky gọi chiến dịch tấn công tỉnh biên giới Kusk của Nga từ tháng 8/2024 là “một trong những chiến dịch thành công nhất của chúng tôi”. Ông cho biết mục đích đích chiến dịch là tạo ra “một vùng đệm” trên lãnh thổ Nga, nhằm ngăn cản Nga thực hiện các hoạt động quân sự ở các tỉnh Kharkov và Sumy.
Ông Zelensky tuyên bố chiến dịch Kursk đã ngăn cản Nga tấn công về phía nam, buộc họ phải chuyển hướng các binh sĩ. “Họ đã rút lực lượng tác chiến của mình khỏi phía nam Ukraine, vì họ đang có kế hoạch tấn công Zaporizhzhia. Đây là hoạt động tiếp theo của họ. Sau Kharkov và Sumy, họ sẽ đến Zaporizhzhia,” ông nói thêm.
Nga chưa bình luận về các tuyên bố của Tổng thống Ukraine.
Sau khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, phái đoàn Nga - Ukraine đã tham gia các cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Belarus vào đầu tháng 3/2022, nhưng không mang lại kết quả nào. Cuối tháng 3/2022, một vòng đàm phán khác được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow khi đó cho biết họ nhận được một tài liệu từ Kiev về các điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Tài liệu này bao gồm các nghĩa vụ của Ukraine là tuân thủ tình trạng trung lập, không gia nhập khối quân sự và không triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình. Sau đó, Nga đã rút quân khỏi khu vực Kiev và Chernigov.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Kiev đã rút khỏi các thỏa thuận và các cuộc đàm phán đã bị đóng băng kể từ tháng 4/2022. Ông David Arakhamia - nhà đàm phán chính của Ukraine, cũng đã tiết lộ rằng chính ông Boris Johnson - khi đó là Thủ tướng Anh - đã ngăn Ukraine ký các thỏa thuận hòa bình với Nga, cũng như yêu cầu Kiev tiếp tục các hoạt động quân sự.
Đến tháng 10/2022, Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson sau các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả này, cũng như không công nhận chủ quyền của Moscow đối với bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với các lãnh đạo hiện tại của Nga.
Chính quyền Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng những trở ngại chính đối với các cuộc đàm phán là lệnh cấm liên lạc với ông Putin của Tổng thống Zelensky, cũng như các sáng kiến của Ukraine cho thấy Kiev hoàn toàn hiểu sai về tình hình thực tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa hai nhà lãnh đạo Nga – Ukraine ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết xung đột, nhưng ông không tiết lộ về cách đạt được thỏa thuận.