Mỹ lần đầu phô diễn ở Thái Bình Dương 'siêu vũ khí' tiêu diệt UAV

Tại cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã triển khai và thử nghiệm thành công một hệ thống vũ khí laser có khả năng tiêu diệt các máy bay không người lái (UAV) hoạt động theo đàn.

Đây là bước tiến mới trong chiến lược ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ UAV trên chiến trường hiện đại.

Mỹ thử nghiệm hệ thống laser mới tại Thái Bình Dương, tiêu diệt UAV bằng công nghệ năng lượng định hướng - Ảnh: Không quân Mỹ

Mỹ thử nghiệm hệ thống laser mới tại Thái Bình Dương, tiêu diệt UAV bằng công nghệ năng lượng định hướng - Ảnh: Không quân Mỹ

Laser trong tác chiến

Theo tạp chí National Interest, trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan tại Philippines, quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống vũ khí năng lượng định hướng IFPC-HPM, được thiết kế để đối phó với các máy bay không người lái cỡ nhỏ và trung bình. Hệ thống này sử dụng chùm vi sóng năng lượng cao để gây nhiễu, làm tê liệt hoặc tiêu diệt UAV trong khu vực tác chiến.

Đại úy Bray McCollum, chỉ huy khẩu đội thuộc lữ đoàn phòng không 1-51 cho biết cuộc thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả của phương pháp phòng thủ nhiều lớp, cho phép lực lượng Mỹ đánh bại các "đàn" UAV trong điều kiện khí hậu nhiệt đới đặc trưng của khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống IFPC-HPM được triển khai cùng lúc với các đơn vị thủy quân lục chiến và lực lượng vũ trang Philippines, cho thấy khả năng phối hợp liên quân trong các hoạt động chung.

Đơn vị đảm nhiệm việc triển khai hệ thống laser lần này là lực lượng đặc nhiệm đa miền số 1 (1MDTF) trực thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ. Đây là một lực lượng linh hoạt, được thiết lập nhằm đối phó với các thách thức chiến lược ngày càng gia tăng trong khu vực.

1MDTF được giao nhiệm vụ tích hợp các hệ thống hỏa lực tầm xa và xây dựng một mô hình phòng thủ nhiều lớp nhằm tăng cường khả năng răn đe. Việc thử nghiệm thành công hệ thống laser trong bối cảnh huấn luyện liên hợp là một bước cụ thể trong việc triển khai các năng lực phòng thủ tiên tiến hơn tại các khu vực có ý nghĩa chiến lược.

Do hiệu quả của mô hình này, quân đội Mỹ đang xem xét mở rộng và thành lập thêm các lực lượng đặc nhiệm đa miền tại những khu vực trọng yếu khác trên toàn cầu.

Mối đe dọa hiện hữu trên chiến trường hiện đại

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ UAV đang làm thay đổi bản chất của các hoạt động quân sự. Trong cuộc xung đột tại Ukraine, cả Nga và Ukraine đều sử dụng hàng chục nghìn UAV mỗi tháng với nhiều nhiệm vụ gồm: trinh sát, chỉ thị mục tiêu, tấn công cảm tử, hỗ trợ hỏa lực hoặc phá hoại hậu cần.

UAV có lợi thế về chi phí thấp, khả năng triển khai linh hoạt và tính cơ động cao. Tuy nhiên, sự phổ biến của chúng cũng đặt ra bài toán lớn về phòng thủ. Với kích thước nhỏ, tốc độ thấp nhưng bay theo đàn, UAV có thể gây quá tải cho các hệ thống phòng không truyền thống vốn được thiết kế để chống lại các mục tiêu có người lái.

Hiện nay, có hai cách chính để các lực lượng quân sự đối phó với UAV. Trong đó, phương pháp phổ biến là tấn công trực tiếp, sử dụng các loại vũ khí như tên lửa, pháo phòng không hoặc tia laser để bắn hạ UAV. Phương án này phát huy hiệu quả khi đối phó với các UAV bay thấp và di chuyển chậm. Tuy nhiên, trong trường hợp UAV được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp và triển khai với số lượng lớn, việc đánh chặn bằng hỏa lực trở nên tốn kém và có nguy cơ khiến hệ thống phòng không bị quá tải.

Phương pháp thứ hai là chiến tranh điện tử, nhằm làm gián đoạn hoặc vô hiệu hóa liên lạc giữa UAV và người điều khiển từ xa. Thông qua các tín hiệu gây nhiễu hoặc tấn công mạng điều khiển, hệ thống phòng thủ có thể khiến UAV mất kiểm soát hoặc buộc chúng phải hạ cánh. Trong một số trường hợp, công nghệ tiên tiến thậm chí còn cho phép chiếm quyền điều khiển UAV và khai thác chúng làm lợi thế chiến thuật.

Việc thử nghiệm vũ khí laser năng lượng cao là bước tiến trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cân bằng, hiệu quả, ít tốn kém và có khả năng ứng phó linh hoạt với nhiều dạng UAV.

Vũ khí năng lượng định hướng

Laser và vũ khí năng lượng định hướng nói chung đang được xem là giải pháp công nghệ tiên phong để giải quyết bài toán phòng thủ trước các mối đe dọa phi truyền thống.

Không giống như tên lửa, vũ khí laser không cần đạn dược vật lý, có thể khai hỏa liên tục với chi phí mỗi lần sử dụng thấp. Đồng thời, tốc độ ánh sáng của chùm laser mang lại khả năng phản ứng gần như tức thì.

Tuy nhiên, các hệ thống laser hiện nay vẫn đang trong giai đoạn phát triển và tinh chỉnh. Một số thách thức kỹ thuật bao gồm ảnh hưởng của thời tiết, khả năng tích hợp với các hệ thống hiện có và phạm vi hiệu quả vẫn đang được nghiên cứu.

Cuộc thử nghiệm tại Philippines là một trong những lần triển khai thực địa đầu tiên của hệ thống IFPC-HPM của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp kiểm nghiệm tính khả thi trong điều kiện khí hậu phức tạp và môi trường chiến thuật thực tế.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-lan-dau-pho-dien-o-thai-binh-duong-sieu-vu-khi-tieu-diet-uav-232500.html
Zalo