Mỹ giãn áp thuế 46%: Doanh nghiệp Việt nối lại đơn hàng, tìm thêm thị trường mới
Ngay sau thông tin Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 46%, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lập tức nối lại đơn hàng bị gián đoạn và lên kế hoạch tìm thêm thị trường xuất khẩu.
Giữa đêm, nối lại đơn hàng với đối tác Mỹ
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) cho biết, ngay trong đêm qua, sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam, công ty ông đã chủ động liên hệ với đối tác để kết nối lại hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
“Phía đối tác đã thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng hóa của công ty chúng tôi từ 3 ngày trước. Thế nhưng sau khi có thông tin hoãn áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, chúng tôi đã chủ động kết nối lại với các đối tác bên Mỹ. Trong sáng nay cũng có rất nhiều đối tác liên hệ lại với chúng tôi để đàm phán phương án tiếp tục đưa hàng hóa từ Việt Nam sang”, ông Hưng vui vẻ nói.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, hoạt động xuất khẩu của công ty Toàn Cầu sang Mỹ vẫn chưa thể trở lại bình thường ngay lập tức do các bên đang đàm phán lại mức giá hàng hóa cho phù hợp tình hình hiện tại.
“Trước đây, các mặt hàng nông sản của chúng tôi có mức thuế suất bằng 0. Thời điểm hiện tại, dù đã hoãn áp mức thuế 48%, nhưng mức thuế được áp dụng vẫn là 10%, thay đổi không nhỏ so với trước. Các bên đang ngồi lại với nhau để cân đối lại giá cho khoản thuế 10% này, mỗi bên sẽ chấp nhận chịu một ít để hoạt động nhập khẩu hàng hóa được tiếp diễn”, ông Hưng thông tin.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nối lại đơn hàng gián đoạn sau khi Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng. (Ảnh minh họa)
Dù đã kết nối lại đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ nhưng ông Hưng vẫn khẳng định 3 tháng hoãn thuế theo thông báo của Mỹ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm phương án mở rộng thị trường cũng như có kế hoạch tái cơ cấu để thích ứng cả với điều kiện Mỹ vẫn áp mức thuế 46%.
Ông nhấn mạnh đây cũng là quãng thời gian nhạy cảm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý để tránh những vấn đề không đáng có trong quá trình đàm phán giảm thuế. “Việc được hoãn áp mức thuế cao trong 3 tháng có thể khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách đẩy nhiều hàng hóa sang Mỹ nhất có thể. Đáng nói, Mỹ vẫn luôn lo sợ Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa nếu bị áp mức thuế thấp.
Thế nên, tôi cho rằng, trong thời gian này các doanh nghiệp Việt cần hạn chế xuất khẩu, đưa các hàng hóa có nguồn gốc từ các quốc gia khác sang Mỹ. Việc này, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đàm phán của Việt Nam về việc giảm thuế. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần tích cực xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam có chất lượng cao để chứng minh vị thế của mình”, ông Hưng khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group (Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam) cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin hoãn áp thuế, doanh nghiệp của ông đã nhận được cuộc gọi của đối tác Mỹ từ lúc 3h sáng (giờ Việt Nam) đề nghị khôi phục các đơn hàng xuất khẩu bình thường.
“Trước đây mặt hàng rau quả của chúng tôi chịu mức thuế từ 0-5%. Sau khi hoãn áp thuế 46%, mức thuế mặt hàng này phải chịu là 10%, tăng khá đáng kể. Tuy nhiên, phía đối tác vẫn chấp nhận mức chi phí chênh lệch này nên các đơn hàng của chúng tôi sẽ tiếp tục được thực hiện thay vì kế hoạch hoãn như vài ngày trước”, ông Tùng nói.
Từ kinh nghiệm của những ngày vừa qua, ông Tùng nhấn mạnh thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng của Mỹ là thời gian quý báu để doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thời gian đàm phán với đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, mục tiêu là thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn, Canada, thị trường Halal...
Tìm thêm thị trường tiềm năng
Bên cạnh niềm vui nối lại đơn hàng khi Mỹ tạm dừng áp thuế, các doanh nghiệp vẫn không quên chiến lược tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tránh rủi ro, phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, doanh nghiệp của ông đã xác định sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu trong thời gian tới. “Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất sang các thị trường quen thuộc trên rồi sau đó mở rộng thêm những thị trường mới. Theo tôi, còn rất nhiều thị trường tiềm năng”, ông Hưng nói.
Việc tìm kiếm thị trường mới sẽ mất một khoảng thời gian nhưng đây là cơ hội để doanh nghiệp của ông tái cấu trúc, cũng như tìm kiếm hướng đi mới.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt nhanh chóng tìm thêm thị trường mới để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 - cũng chia sẻ thông tin Tổng Công ty May 10 đang triển khai đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ như EU, Nhật Bản, Australia và các thị trường khác.
"Chúng tôi phải tìm cách nhanh nhất đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do FTA để phát triển các thị trường mới", bà Thảo nói.
Cùng chung dự định nhưng theo chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may thêu TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3 - việc mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ tuy doanh nghiệp cũng đã chủ động nhưng không thể một sớm một chiều. Cho nên hướng đi của ông Hồng ngay lúc này là có thể tăng xuất khẩu cho thị trường mà doanh nghiệp đang bán tốt như EU, Nhật, New Zealand…để ổn định hơn.
Chúng tôi phải tìm cách nhanh nhất đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do FTA để phát triển các thị trường mới
Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10
Ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu số 1 của hạt điều Việt Nam, chiếm khoảng 25-27% tổng kim ngạch. Riêng năm 2024, chúng ta xuất khẩu điều sang Mỹ gần 160 nghìn tấn, giá trị hơn 940 triệu USD.
Trước diễn biến mới, hiệp hội đã và đang phối hợp cùng với các doanh nghiệp mở thị trường mới, hướng đến thị trường tiềm năng như Trung Đông. “Bây giờ, các doanh nghiệp điều lập tức điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, trong đó quan tâm thị trường Trung Đông và quyết liệt hơn trong việc khai thác thị trường mới.
Trung Đông là thị trường lớn, ngành điều đã khai thác nhưng chưa nhiều lắm. Chúng tôi sẽ xoay qua thị trường này để đẩy mạnh xuất khẩu, có thể bù đắp phần nào sản lượng điều xuất sang Mỹ. Với phương án này, ngành điều Việt Nam sẽ có cơ hội bình ổn”, ông Hậu nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao xuất khẩu sang Mỹ cũng khẳng định, công ty đã lên phương án từ sớm, dự phòng tất cả tình huống xảy ra để ảnh hưởng giảm xuống mức tối thiểu nhất.
Cụ thể, công ty của ông đặt nhà máy ở nhiều quốc gia khác nhau. Các đơn hàng đã ký, công ty sẽ đàm phán với các nhà máy đặt tại các quốc gia chịu thuế thấp (như Mexico), sau đó mới xuất hàng đi Mỹ. Trong dài hạn, công ty sẽ phát triển thêm nhà máy ở một số quốc gia khác nhau, để giảm thiểu rủi ro, trong đó có vấn đề thuế quan.
Còn ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nêu giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành: "Chúng ta có thể nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ Mỹ và xẻ, sấy, sau đó xuất khẩu đi sang thị trường khác. Nếu có chính sách linh hoạt thì có thể bỏ hoặc giảm mạnh thuế nhập khẩu gỗ tròn từ Mỹ để tăng tiêu thụ gỗ cho nước này”.

Doanh nghiệp xuất khẩu điều lên kế hoạch khai thác thị trường Trung Đông. (Ảnh minh họa)
Cơ hội tái cấu trúc
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng nên xem những chính sách thuế của Mỹ là cơ hội để tái cấu trúc về mặt công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp trong nước. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân 60%, nhưng điện tử, vi tính thì tỷ lệ nội địa hóa chỉ 40 - 50%.
Đồng quan điểm, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, người thành lập thương hiệu L’amant Café - phân tích: Không phải đến bây giờ việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ mới khó khăn, mà trước đây đã cạnh tranh rất khốc liệt rồi.
Vì thế doanh nghiệp nên coi đây là cơ hội để thúc đẩy nhanh việc tìm những thị trường khác như Nhật Bản, châu Âu…để không phụ thuộc vào bất cứ 1 thị trường nào. “Khi chúng ta cạnh tranh được thì chúng ta cũng không ngần ngại việc Mỹ áp thuế cao”, ông Hiệp nói.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme), cũng nhấn mạnh, bối cảnh này là áp lực buộc doanh nghiệp gấp rút chuyển đổi mô hình sản xuất và kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững và chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Quốc Anh khuyến nghị, doanh nghiệp cần luôn theo dõi sát sao động thái thị trường, chính sách thuế, quy định xuất nhập khẩu ở cả Mỹ và các thị trường khác; đồng thời duy trì kênh trao đổi thường xuyên với đối tác để phản ứng nhanh chóng, linh hoạt.