Mỹ được phép đưa quân đến kênh đào Panama?
Theo hãng tin AFP ngày 11/4, trong văn bản mà hãng này có được, quân đội Mỹ có thể triển khai lực lượng tới một loạt cơ sở dọc theo kênh đào Panama.

Mỹ không được quyền xây dựng căn cứ riêng trên eo đất Panama nhưng có quyền triển khai binh sĩ tới các căn cứ cũ ở đây. (Nguồn: Dreamstime)
Văn bản được các quan chức an ninh cấp cao của hai nước ký kết, không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ riêng trên eo đất Panama - một động thái có thể gây phản đối mạnh mẽ từ người dân quốc gia Trung Mỹ và gặp rắc rối về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cho phép Mỹ có quyền triển khai một số lượng binh sĩ không giới hạn tới các căn cứ cũ - một số do Washington xây dựng khi kiểm soát khu vực kênh đào nhiều thập kỷ trước, để huấn luyện, diễn tập và nhiều hoạt động khác.
Theo AFP, đây được coi là sự nhượng bộ lớn dành cho Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh nhà lãnh đạo cam kết "giành lại" quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược mà Mỹ đã tài trợ, xây dựng và kiểm soát cho đến năm 1999.
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 1, ông Trump nhiều lần tuyên bố Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng đối với kênh đào - tuyến đường vận chuyển khoảng 40% container của Mỹ và 5% thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, về phần Trung Quốc, ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm yêu cầu Mỹ ngừng lan truyền tin đồn, gây rắc rối và liên kết Bắc Kinh với vấn đề kênh đào Panama một cách ác ý để biện minh cho việc Mỹ kiểm soát tuyến đường thủy sống còn này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Panama cùng ngày khẳng định, nước này chưa từng tham gia quản lý hay vận hành kênh đào, luôn tôn trọng chủ quyền của Panama và coi đây là tuyến giao thông trung lập quốc tế.
Trung Quốc cho rằng lo ngại của Washington là không có cơ sở, đồng thời khẳng định việc Panama phát triển quan hệ với Bắc Kinh là quyền của nước này và Mỹ không có quyền can thiệp.