Tướng lĩnh Mỹ nghi Triều Tiên nhận được 'nhiều lợi ích' khi hỗ trợ Nga trong xung đột Ukraine
Kể từ khi Triều Tiên ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Ukraine, bao gồm cả việc gửi vũ khí và thậm chí cả binh lính, các quan chức Mỹ đã liên tục suy đoán về những gì Bình Nhưỡng có thể nhận lại được.

Binh sĩ đứng chào trong một cuộc biểu diễn tập quân sự có sự tham gia của các đơn vị xe tăng tại Triều Tiên, ngày 13/3/2024. Ảnh: Reuters.
Tuần trước, hai lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã gợi ý rằng sự ủng hộ đó có thể mang lại hàng loạt lợi ích cho Bình Nhưỡng, từ việc nâng cao năng lực quân sự cho đến né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về các thách thức và mối đe dọa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga là một trong những điểm nóng được đề cập.
Tướng lục quân Mỹ Xavier Brunson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Liên hợp quốc, Bộ chỉ huy lực lượng liên quân và lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, phát biểu rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Triều Tiên và Nga đã làm thay đổi đáng kể cục diện khu vực.
Theo ông, mối quan hệ này mở ra những cơ hội mới để Triều Tiên né tránh trừng phạt, bổ sung năng lực quân sự còn thiếu và vươn tới vị thế mới trên trường quốc tế. Trong đó, Nga được cho là đang chia sẻ với Triều Tiên công nghệ, chuyên môn và vật liệu liên quan đến không gian, hạt nhân và tên lửa – những yếu tố sẽ giúp Bình Nhưỡng cải tiến kho vũ khí trong vài năm tới.
Thực tế, năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã có những bước tiến rõ rệt. Quốc gia này đã phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới để mang đầu đạn hạt nhân. Bất kỳ sự hỗ trợ nào thêm từ Nga sẽ càng đẩy nhanh quá trình phát triển này, theo giới chức Mỹ.
Theo Tướng Brunson và Đô đốc hải quân Mỹ Samuel Paparo – Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – các lợi ích khác mà Triều Tiên có thể nhận được bao gồm máy bay, tên lửa phòng không và công nghệ tàu ngầm.
Ngoài ra, việc binh lính và vũ khí của Triều Tiên tham chiến tại Ukraine cũng mang lại kinh nghiệm chiến đấu quý giá cùng với dữ liệu tình báo về hiệu quả thực chiến – những điều cực kỳ giá trị đối với Bình Nhưỡng. Pháo binh hạng nặng và tên lửa đạn đạo chiến thuật của Triều Tiên đã được Nga sử dụng trong các cuộc tấn công ác liệt chống lại Ukraine.
Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc gần đây cũng công bố nghiên cứu cho thấy Bình Nhưỡng có thể nhận được hàng tỷ USD từ việc tham gia cuộc chiến.
Lợi ích của Triều Tiên nằm trong mối quan hệ “cộng sinh mang tính giao dịch” giữa ba quốc gia: Triều Tiên, Nga và Trung Quốc – theo lời Đô đốc Paparo – khi mỗi nước bù đắp điểm yếu của nhau để cùng có lợi.
Trong trường hợp của Trung Quốc, nước này hỗ trợ Nga và đổi lại có thể nhận được sự hỗ trợ về công nghệ tàu ngầm – yếu tố then chốt nếu xảy ra xung đột trên biển với Mỹ, theo nhận định của giới chức Mỹ.
“Trung Quốc cung cấp 70% máy công cụ và 90% chip đời cũ, giúp Nga tái thiết cỗ máy chiến tranh”, chỉ huy Mỹ cho biết. “Đổi lại, Trung Quốc có thể nhận hỗ trợ về công nghệ giảm tiếng ồn tàu ngầm và các lĩnh vực khác mà Nga có thế mạnh”.
Vào thứ Sáu vừa qua, Ukraine đã áp đặt lệnh trừng phạt lên một số công ty Trung Quốc vì hỗ trợ Nga sản xuất tên lửa Iskander. Một ngày trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.
Trung Quốc và Nga đã xây dựng một mối quan hệ đồng minh gần gũi trong nhiều năm qua, thông qua việc tăng cường quan hệ quân sự.
Triều Tiên và Nga cũng đã chính thức hóa mối quan hệ hợp tác mới vào năm ngoái qua một hiệp ước phòng thủ chung, bao gồm việc Bình Nhưỡng đề xuất gửi hàng nghìn binh sĩ đến chiến đấu tại mặt trận Kursk. Những lực lượng tinh nhuệ này của Triều Tiên đã chịu tổn thất trong chiến đấu, theo truyền thông phương Tây.
Tình báo phương Tây cho thấy Nga đã nhận được hàng nghìn quả đạn pháo và tên lửa từ Triều Tiên. Thỏa thuận vũ khí này đã gây lo ngại sâu sắc cho Mỹ và Hàn Quốc. Trong khi Hàn Quốc đang hỗ trợ Ukraine thông qua việc gián tiếp gửi đạn pháo qua Mỹ, thì điều đó đồng nghĩa Triều Tiên và Hàn Quốc giờ đây đứng ở hai chiến tuyến đối lập trong cùng một cuộc chiến.