Hồi ức chiến trận của vị tướng miền Tây
Ở tuổi 81, trải qua nhiều trận đánh sinh tử, đi qua nhiều cột mốc quan trọng của cuộc đời, nhưng với Thiếu tướng Trần Vinh Quang (nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì kỷ niệm đặc biệt nhất với ông là trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử, những ngày mà 'niềm vui như một giấc mơ' trong cuộc đời mỗi người lính.
Đại đội “gang thép” anh hùng
Chiếc áo lính màu xanh đã bạc, mái tóc vị tướng già sau 50 năm đất nước hòa bình cũng điểm sương trắng, nhưng thời gian không thể làm ông quên đi được ký ức bi tráng của mình và đồng đội với từng bờ kênh chiến hào, từng trận đánh trên khắp các mặt trận miền Tây sông nước.
Thiếu tướng Trần Vinh Quang sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân tại huyện Cái Nước (Cà Mau). Thuở nhỏ, ông được học văn hóa với các thầy cô giáo đều tham gia hoạt động cách mạng. Thấy cậu bé nhanh nhẹn, thông minh nên năm 13 tuổi, ông đã được các anh chị giao cho nhiệm vụ chuyển thư, chuyển đạn dược và canh gác địch trong các cuộc họp của cơ sở cách mạng.

Ở tuổi 81, Thiếu tướng Trần Vinh Quang vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.
Năm 17 tuổi, ông được giao nhiệm vụ dạy học cho các em chưa biết chữ ở quê mình. Vừa dạy học, vừa tham gia du kích trong ấp, hoạt động trong đoàn thanh niên. Năm 1963, Thiếu tướng Trần Vinh Quang nhập ngũ tại Đại đội 1, Tiểu đoàn U Minh 3, đóng quân tại huyện Cái Nước (Cà Mau). Mới vào quân ngũ được một ngày thì được cầm súng ra trận: “Tôi nhớ rõ là buổi chiều hôm ấy, đồng chí Đại đội phó nói với tôi một câu: “Từ trước đến nay tôi chưa thấy có ai may mắn như đồng chí, mới vào đơn vị đã được đi đánh giặc liền. Trong lòng tôi vừa mừng lại vừa lo vì bản thân chưa đánh trận nào, cũng chẳng biết đánh ra làm sao. Suy nghĩ mãi, tôi cũng hiểu ra, chiến tranh nhân dân thì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, huống chi mình đã là anh bộ đội. Cứ đánh rồi sẽ biết thôi”, ông kể lại ngày đầu tiên đi đánh giặc.
Năm 1964, Thiếu tướng Trần Vinh Quang được đưa về Trung đoàn 2, Quân khu 9 (sau đổi tên thành Trung đoàn 1 U Minh) làm quản lý C1, có nhiệm vụ cấp phát quân nhu, quân trang và tiền phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ của cơ quan Trung đoàn. Làm hậu cần nhưng đơn vị của ông luôn sẵn sàng chiến đấu và cũng vài lần đối đầu trực tiếp với địch: “Năm 1967, địch dùng trực thăng đổ quân gần kênh Gốc Tre, tôi cùng các đồng chí trong đơn vị ra đánh. Lần đó, tôi nhường công sự cho bạn nên bị trúng mảnh đạn M79 vào đùi. Chiến tranh khốc liệt, tôi không biết mình có thể hy sinh khi nào nên trong thời gian làm quân nhu, tôi đã ghi chép cẩn thận mọi thông tin tài chính vào cuốn sổ, để nếu một ngày nào đó nằm xuống cũng không phải hổ thẹn với lòng mình”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang tâm sự.

Thiếu tướng Trần Vinh Quang cùng cựu chiến binh Nguyễn Công Trung, Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phương Nam” có nhiều tâm huyết với công tác đền ơn đáp nghĩa sau ngày miền Nam giải phóng.
Cuối năm 1969, ông được cấp trên đề xuất ra đơn vị bộ binh chiến đấu, làm Chính trị viên phó Đại đội 3, thuộc Tiểu đoàn 303, Trung đoàn U Minh 1 (Trung đoàn 3 lần được tuyên dương Anh hùng LLVT Nhân dân). Sau 3 tháng, ông được bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên Đại đội 3, thường được gọi với cái tên “đại đội gang thép”.
Đơn vị lúc này hoạt động ở Phụng Hiệp, Long Mỹ (Cần Thơ) và huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Trận đánh đầu tiên do Chính trị viên Trần Vinh Quang chỉ huy đánh đồn nghĩa trang Hàng Điệp vào tháng 3/1970. “Bấy lâu nay làm công tác hậu cần, tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đi đánh giặc. Vì vậy, trước khi đi tôi được đồng chí Lưu Ngọc Ẩn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn căn dặn: “Khi nổ súng phải nhanh chóng chiếm lô cốt trong đồn làm vị trí để chỉ huy”.
Nhớ lời dặn của bậc đàn anh, tôi đã nắm bắt được kinh nghiệm chiến đấu và chỉ huy anh em trong đại đội đánh trận đầu tiên thắng lợi. Trải qua những trận đánh, tôi hiểu được rằng, người chỉ huy được anh em nể trọng, tin tưởng không hẳn vì họ có tài thao lược mà cốt chính là lòng dũng cảm, can trường, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng đội của mình”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang kể.

Ban chỉ huy tiền phương bàn phương án đánh vào thị xã Vĩnh Long, tháng 4/1975. (ảnh tư liệu).
Trong những trận đánh oanh liệt nơi đồng bưng kênh rạch của vùng sông nước Cửu Long hơn 50 năm về trước, Thiếu tướng Trần Vinh Quang vẫn nhớ như in trận Vịnh Cả Mười (xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Cần Thơ) vào năm 1970. Quân số của Đại đội 3 lúc này chỉ vỏn vẹn 12 người, đóng quân ở một cái vịnh, dân địa phương gọi là Vịnh Cả Mười. Địch do thám và nắm được địa điểm đóng quân của Đại đội 3, chúng đã huy động 2 tiểu đoàn tiến hành bao vây, hòng tiêu diệt những người lính cách mạng. “Lực lượng giữa ta và địch là không cân xứng nhưng tôi động viên anh em quyết đánh, không thể lùi bước. Chúng tôi ngồi chờ địch đến gần để vừa chiến đấu vừa tính kế bày binh bố trận. Khi thấy một tên đứng cách mình mấy thước, tôi đã giật lấy khẩu súng AK của đồng chí y tá, nhảy lên mương đuổi nó. Vừa chạy tôi vừa hô to, “điều ngay 100 khẩu B40 - B41 ra”. Thực tế đây là mệnh lệnh chiến đấu và hù dọa địch. Ngay lúc đó, những người lính trong Đại đội đồng loạt vùng lên tấn công, tiêu diệt địch. Số bị thương, số khác hoảng loạn bỏ chạy”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang kể lại giây phút nghẹt thở chiến đấu với hai tiểu đoàn của địch.
Năm 1973, khi Hiệp định Paris vừa được ký kết, địch lợi dụng ngừng bắn đưa quân đi càn quét, lấn chiếm, giết hại đồng bào. Trước tình hình đó, đồng chí Dương Tử, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh gọi điện lên Quân khu xin ý kiến chỉ đạo cho đánh nhằm giữ và bảo vệ vùng giải phóng. “Cùng thời điểm này, đồng chí Phạm Văn Trà (sau này Anh hùng LLVT Nhân dân, Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) về làm Trung đoàn trưởng thay đồng chí Dương Tử. Anh Dương Tử và anh Trà là chỉ huy rất kiên cường, có công lớn trong chiến dịch đánh bại 75 lượt Tiểu đoàn địch đánh vào Chương Thiện, U Minh. Là cấp dưới của anh Dương Tử và anh Ba Trà, tôi học tập được ở các anh nhiều điều từ ý chí chiến đấu đến phong cách sống, tôi cảm thấy rất đỗi tự hào”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang kể về người thủ trưởng đáng kính của mình.
Trong 18 ngày đầu khi Hiệp định có hiệu lực, Tiểu đoàn 303 do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Quốc Trung và Chính trị viên Trần Vinh Quang chỉ huy vừa phòng ngự ở Cái Nai, kinh Xáng Lái Hiếu, Long Mỹ, vừa phải chiến đấu với 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 Chi đoàn thiết giáp của địch, chúng liên tục tấn công vào căn cứ vùng giải phóng và Tỉnh ủy Cần Thơ, căn cứ của Trung đoàn 1 U Minh. Địch bắn vào khu vực này 48 ngàn quả đạn pháo 105 ly và 175 ly, sử dụng hơn 200 phi đội máy bay ném hàng ngàn tấn bom xuống trận địa. Quân ta chiến đấu ngoan cường, bắn cháy 1 xe thiết giáp, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, giữ vững được vùng giải phóng an toàn.
Cuối năm 1973, Tiểu đoàn 303 nhận nhiệm vụ phục kích đánh địch ngoài đồng lúa thuộc xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp nhằm ngăn chặn chúng chi viện cho đồn Đập Đá đang bị quân ta bao vây phía trong. Sau 3 ngày phục kích, địch xuất hiện ngoài đồng, Chính trị viên Trần Vinh Quang cầm máy truyền tin PR25 gọi cho Đại đội 1 và ra lệnh cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu: “Chúng tôi nằm dưới cơn mưa pháo kích của địch cùng nhiều máy bay do thám dẫn đường. Nhưng anh em không hề nao núng, cả Tiểu đoàn xung phong rượt đuổi địch trên cánh đồng tiêu diệt và bắt sống được tên Tham mưu trưởng tiểu đoàn địch. Chúng tôi thu giữ được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang kể.
Trân trọng giá trị hòa bình
Năm 1974, đồng chí Trần Vinh Quang được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1 U Minh. Sau 6 tháng học tập, ông được chọn ra miền Bắc đào tạo cán bộ cao cấp. Tuy nhiên, đoàn mới đi tới Sông Bé (Bình Dương ngày nay) thì cấp trên giao nhiệm vụ anh em trong đoàn quay trở lại Quân khu chiến đấu giải phóng miền Nam: “Trên đường trở lại đơn vị, chúng tôi hành quân bộ qua dày đặc các đồn trạm của địch, vượt qua những khúc sông trước sự truy kích của máy bay và đạn pháo. Tình hình chiến sự miền Nam cho ngày giải phóng rất cấp bách, chúng tôi nhất trí với nhau hy sinh cũng phải hy sinh trên đất Việt Nam chứ nhất quyết không đi đường vòng qua Campuchia. Ngày 23/4/1975, tôi về tới Trung đoàn của mình để nhận nhiệm vụ”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang chia sẻ.

Bộ đội Tiểu đoàn 1 U Minh trong một lần hành quân tới trận địa năm 1963. (ảnh: tư liệu).
Ngày 30/4, trên đường lên sở chỉ huy Trung đoàn, ông mang theo chiếc radio bên mình để nắm bắt tin tức. Giữa trưa, ông nghe được tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông mừng quá chạy nhanh đến Ban chỉ huy Trung đoàn thông báo cho mọi người biết. Anh em ôm chầm lấy nhau, reo hò mừng vui không sao tả xiết. Sáng ngày 1/5, ông cùng anh em được lệnh ra thị xã Vĩnh Long tiếp quản. Mang trong mình niềm vui ngày giải phóng, ông gọi một tên lính lái xe Zép chở ông đi vòng quanh thị xã.
Hồi tưởng lại ngày vui chiến thắng, ông kể: “Đi đến đâu tôi bảo cậu lính giới thiệu cho mình biết những nơi đóng quân, làm trụ sở của các đơn vị Mỹ - ngụy. Đến khu vực hải quân, tôi xuống xe đi bộ tham quan và gặp viên trung tá hải quân ngụy. Anh ta khúm núm nói với tôi muốn xin sách về Chủ nghĩa Mác - Lênin để nghiên cứu. Thấy vẻ lo lắng của anh ta, tôi đã giải thích về chính sách khoan hồng của mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Giải phóng miền Nam, người lính trận Trần Vinh Quang có những năm tháng ít ỏi sống bình yên, hạnh phúc cùng gia đình, vợ con. Đến 7/1978, ông được phong hàm Thiếu tá giữ chức vụ Chính ủy Trung đoàn 1 Đồng Tháp - Quân khu 8 (nay là Trung đoàn 2, Sư đoàn 8, Quân khu 9). Ông lại tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến chống Pôn Pốt, sang Campuchia trong đội quân tình nguyện Việt Nam. Cuối năm 1989, ông chuyển sang làm nhiệm vụ chuyên gia với vai trò giúp Chính ủy Quân khu 3 Campuchia về công tác chính trị. Năm 1994, ông được phong hàm Thiếu tướng khi đang giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, sau đó ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 10. Năm 1998, ông được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Năm 2005, ông về hưu nhưng suốt 20 năm qua, vị tướng ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ông đang giữ cùng lúc 4 vị trí trưởng Ban liên lạc của những đơn vị năm xưa ông từng công tác và chiến đấu: “Nhiều lần tôi xin nghỉ nhưng nghĩa đồng đội và sự tín nhiệm của anh em lại kéo mình ở lại. Tôi tự tâm niệm với lòng, phải cố gắng hết sức làm công tác đền ơn đáp nghĩa, xem như trả ân tình cho đồng đội của mình đã chiến đấu và hy sinh cho hòa bình hôm nay”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang chia sẻ.