Mỹ công bố mức thuế quan mới với pin mặt trời sản xuất tại 4 quốc gia Đông Nam Á
Thuế nhập khẩu tấm pin mặt trời mới của Mỹ áp dụng đối với các nhà sản xuất Đông Nam Á dự kiến sẽ làm tăng giá bán và cắt giảm biên lợi nhuận của nhà sản xuất, nhưng phần lớn đã được ngành công nghiệp dự đoán trước.
Hôm thứ Sáu (29/12), Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các mức thuế mới, mở rộng hoạt động chống bán phá giá của Mỹ tại Đông Nam Á sang các tấm pin mặt trời.
Theo quyết định sơ bộ được đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này đã tính toán mức thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2%, tùy thuộc vào nhà sản xuất tấm pin mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Nhà phân tích Pierre Lau của Citi cho biết, mức tăng thuế phần lớn phù hợp với kỳ vọng, và về lâu dài, các mức thuế này sẽ khuyến khích sản xuất nhiều hơn tại Mỹ để thay thế cho hàng nhập khẩu.
“Các nhà sản xuất môđun của Trung Quốc nhìn chung cho rằng tác động này chỉ giới hạn trong ngắn hạn, với giả định rằng phần lớn chi phí gia tăng sẽ được chuyển cho khách hàng Mỹ mà không có giải pháp thay thế", ông cho biết thêm.
Quyết định này là quyết định thứ hai trong vụ kiện thương mại do một nhóm công ty đưa ra cáo buộc các công ty Trung Quốc bán các thành phần năng lượng mặt trời dưới giá thành vào Mỹ một cách không công bằng.
Yana Hryshko, Giám đốc nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu tại công ty tư vấn WoodMackenzie cho biết, các nhà sản xuất bị ảnh hưởng có thể lấy nguồn pin từ Lào và Indonesia thay thế hoặc cắt giảm biên lợi nhuận.
"Họ muốn duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ…Chi phí sản xuất thực tế ở Đông Nam Á không cao so với giá mà họ bán cho Mỹ”, ông cho biết.
Các nhà máy năng lượng mặt trời do Trung Quốc sở hữu đã xuất hiện ở Indonesia và Lào, đây là các cơ sở sản xuất chính của Đông Nam Á vẫn chưa chịu thuế quan, mặc dù các chuyên gia trong ngành cho biết thuế quan vẫn có thể được áp dụng khi khối lượng xuất khẩu tăng lên.
Tuy nhiên, trong trường hợp áp thuế đối với Indonesia, công suất mới có thể được chuyển hướng sang thị trường nội địa đang phát triển mạnh do được hỗ trợ bởi các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.
Hầu hết các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Mỹ đều được sản xuất ở nước ngoài và khoảng 80% lượng hàng nhập khẩu đến từ bốn quốc gia bị Bộ Thương mại nhắm mục tiêu trong cuộc điều tra.
Theo Citi, Mỹ chỉ chiếm 4% đến 10% khối lượng bán hàng của các nhà sản xuất môđun lớn của Trung Quốc, nhưng lại chiếm tỷ trọng cao hơn trong lợi nhuận.
Quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại sẽ được công bố vào ngày 18/4/2025, khi các mức thuế được đề xuất có thể được sửa đổi.
Năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng báo động về khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào năng lực nhà máy sản xuất hàng hóa năng lượng sạch. Luật biến đổi khí hậu mang tính bước ngoặt chính quyền Tổng thống Biden - Đạo luật Giảm lạm phát - bao gồm các ưu đãi cho các công ty sản xuất thiết bị năng lượng sạch tại Mỹ đã thúc đẩy một loạt kế hoạch xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời mới.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gọi Đạo luật Giảm lạm phát là quá tốn kém, nhưng ông cho biết có kế hoạch áp dụng mức thuế quan cao đối với một loạt các lĩnh vực để bảo vệ người lao động Mỹ.